Phân vân thị trường Internet

(PLO) - Doanh thu Internet Việt Nam năm 2012 chỉ đạt dưới 15.000 tỷ đồng. Đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT) đặt vấn đề: Với doanh thu đó, cần nghiêm túc nhìn nhận lại việc chúng ta có thực sự coi Internet là thị trường để tập trung phát triển và thu lợi nhuận từ đầu tư hạ tầng, tổ chức kinh doanh hay không.
 
Internet phát triển mạnh mẽ…
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng hôm qua - 4/12 trong khuôn khổ Ngày Internet Việt Nam, Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với con người trong xã hội, đã và đang tác động tích cực tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống, các tầng lớp người dân ở nhiều vùng miền. Internet đã góp phần tạo lập cộng đồng, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội, nâng cao năng lực sản xuất và thương mại, tạo ra nhiều hơn của cải vật chất trong xã hội và nâng cao đời sống người dân. 
Internet đã có tác động sâu sắc đến đời sống xã hội
 Internet đã có tác động sâu sắc đến đời sống xã hội
“Có được những điều trên là nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, dịch vụ Internet trong những năm qua” – ông Lê Nam Thắng nói. Đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) hạ tầng, đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ông Thắng cho biết trong 16 năm qua, VNPT là một trong những DN đi đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng Internet Việt Nam, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cố định. Với dịch vụ Internet, VNPT vẫn đang chiếm thị phần cao nhất. Ngoài việc cung cấp cho người dân và cho xã hội, VNPT cũng đóng góp rất lớn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam.
Chia sẻ về hướng phát triển của Tập đoàn VNPT trong nền kinh tế Internet Việt Nam, ông Trần Việt Hưng - Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (đơn vị thành viên của VNPT) cho hay, bên cạnh những nỗ lực phát triển hạ tầng Internet, như một bánh xe trong guồng máy chung, VNPT/VDC đang nỗ lực triển khai cung cấp các dịch vụ, giải pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Ở thời điểm này, ngoài dịch vụ băng rộng truyền thống, DN còn tập trung phát triển các phương thức kết nối khác, phát triển các dịch vụ trên nền điện toán đám mây, các dịch vụ nội dung số… nhằm đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của nền kinh tế Internet Việt Nam.
…nhưng doanh thu vẫn chưa xứng “đồng tiền, bát gạo”
Trong “bức tranh” Internet Việt Nam dưới góc độ kinh tế mà bà Lê Thị Ngọc Mơ – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) chia sẻ, cả nước hiện có 55 giấy phép cung cấp dịch vụ Internet cố định có hiệu lực, chỉ dành cho những DN cung cấp dịch vụ truy nhập và kết nối Internet chứ không tính cả DN cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông trên Internet. Đến nay, 47 DN đã thông báo chính thức triển khai cung cấp dịch vụ. 
Tuy vậy, chỉ 16 DN trong số đó có báo cáo thường xuyên với Cục Viễn thông về hoạt động cung cấp dịch vụ. Với 30 DN còn lại, dù đã thông báo chính thức cung cấp dịch vụ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau liên quan đến thị trường, doanh thu… nên không báo cáo hoặc đã tạm dừng hoạt động.
Về truy nhập Internet di động, Bộ TT&TT đã cấp 4 giấy phép cho 4 DN gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnam Mobile. Thị phần truy nhập Internet cố định hiện nay chủ yếu tập trung vào 5 DN lớn gồm VNPT, FPT, Viettel, CMC, SCTV. Những DN mới tham gia thị trường như CMC, SCTV đã nỗ lực đáng kể khai thác thị trường mới đòi hỏi chất lượng kỹ thuật cao. Thị trường DN di động nằm chủ yếu trong tay 3 DN lớn gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone với 98% thị phần. 
Đến tháng 10/2013, với thị trường băng rộng cố định thì có khoảng hơn 5 triệu thuê bao, trong đó 87,5% sử dụng ADSL (dịch vụ chất lượng thấp, giá rẻ). Còn ở lĩnh vực di động, hiện có khoảng 19 triệu thuê bao. Với số lượng khách hàng nêu trên, theo báo cáo của các DN năm 2012, tổng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam đạt khoảng 10.000 tỷ đồng (không tách được phần truy nhập Internet, nhưng phần doanh thu từ truy nhập Internet sẽ ít hơn) và doanh thu từ dịch vụ 3G khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Đọc thêm