Nói đến internet, người ta bình thường nghĩ ngay đến công cụ tìm kiếm Google, cho phép truy cập gần như mọi địa chỉ mạng trên toàn thế giới. Ít người để ý đến còn có cả một thế giới “Web chìm” (Deep Web, gồm những địa chỉ không thể tìm kiếm được khi dùng các công cụ tìm kiếm thông thường), với khối lượng thông tin ước tính gấp hàng trăm lần so với thế giới nổi.
Trong thế giới chìm đó, có “Web Đen” (hay Dark Web), nơi hoành hành của nhiều tổ chức tội phạm, cũng là nơi ẩn náu của những mạng lưới, phong trào... Ví dụ tổ chức Wikileaks nổi tiếng với việc cung cấp hàng triệu thông tin liên quan đến tham nhũng, vi phạm nhân quyền... từng đặt cơ sở trong thế giới Dark Web.
Dark Web được coi là lãnh địa an toàn đối với nhiều băng nhóm buôn lậu ma túy, buôn hàng giả, mua bán vũ khí, mua thẻ ngân hàng hay các đồ ăn cắp đủ loại. Để thâm nhập vào thế giới này, cần phải có các phương tiện đặc biệt, bởi các địa chỉ trong thế giới này thường ẩn náu sau nhiều hàng rào bảo mật. Trong thời gian gần đây, truyền thông thế giới nói nhiều đến cuộc phiêu lưu vào thế giới Dark Web của một start up ở Pháp mang tên Aleph Networks.
Nhiều người ví start up Aleph Netxworks như công cụ tìm kiếm Google đối với thế giới Web thông thường. Sau 5 năm làm việc, “Google của Dark Web” đã lập được danh mục 1,4 tỉ đường dẫn, 450 triệu tài liệu, trên 140.000 trang mạng Dark Web.
Mục tiêu của Aleph Networks là gì? Một ví dụ cụ thể: Đầu tháng 12/2018, phần mềm của Aleph cho phép thống kê được 3,9 triệu tài khoản ngân hàng bị đánh cắp. Hay 89 địa chỉ rao bán “bom bẩn” (tức bom có chứa phóng xạ) có chứa chất Cesium 137. Aleph cũng cho phép tiếp cận được với một “siêu thị bán đồ khủng bố”, nơi người ta hướng dẫn cách chế tạo súng ba-dô-ka hay bom ngay tại nhà…
Cô Céline Haéri, đồng sáng lập Aleph Networks, tin tưởng là công ty đã nhận dạng được “gần như toàn bộ thế giới Dark Web”. Phần mềm của công ty cũng cho phép nhận dạng các liên hệ giữa Dark Web với thế giới Internet thông thường.
Tác giả của công trình lạ thường này là Nicolas Hernandez, một kỹ sư tin học, ban ngày làm việc tại nhiều tập đoàn tin học quốc tế lớn, nhưng ban đêm trở thành “hacker mũ trắng”, dấn thân cho cuộc chiến vì lý tưởng, vì tự do tư tưởng, hoặc chống lại bạo lực với trẻ em…
Năm 2008, theo yêu cầu của Cécile Haéri, lúc đó là một giáo viên tiểu học, kỹ sư Hernandez và một người bạn, bằng các phương tiện thô sơ, đã lập ra một phần mềm cho phép nối kết các trang blog của những giáo viên chống lại cuộc cải cách học đường của Xavier Darcos, Bộ trưởng Giáo dục Pháp thời đó. Phần mềm này hiện vẫn được nhóm sử dụng trong việc tập hợp, phân loại và tạo lập cấu trúc cho những khối lượng thông tin khổng lồ.
Cuộc dấn thân vào thế giới Dark Web đã để lại cho nhóm nhiều kinh nghiệm quý. Năm 2012, họ lập ra công ty Aleph. Aleph là chữ đầu tiên trong bảng chữ cái của người Do Thái (giống như trong chữ Ả Rập, hay tương tự với Alpha trong bảng chữ cái Hy Lạp) và cũng là một trong các biểu hiện của vô tận trong toán học. Sau nhiều nỗ lực bất thành, và có lúc tưởng như tan vỡ, cuối cùng công ty Aleph lọt vào mắt xanh của Tổng cục Vũ trang của Bộ Quốc phòng Pháp.
Đó là vào đầu năm 2015. Hai ngày sau vụ khủng bố nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, kỹ sư Hernandez được Bộ Quốc phòng mời lên giúp. Vào thời điểm đó, thế giới Dark Web vẫn còn hết sức bí hiểm ngay cả với giới an ninh quân đội.
Năm 2015, phần mềm GM DLP của Aleph Networks cho phép “kéo được mẻ lưới” đến hơn hai triệu địa chỉ mạng của thế giới “Web chìm”, bao gồm Dark Web. Aleph ắt hẳn đã hỗ trợ nhiều cho an ninh quân đội Pháp trong cuộc chiến chống lại IS trong thời gian qua.
Hiện tại, công ty khởi nghiệp Aleph có chín người, đã cân bằng được thu chi kể từ năm 2017. Năm ngoái, Aleph kiếm được 660.000 euro. Công ty bắt đầu được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các sản phẩm của Aleph không chỉ có ích cho ngành an ninh, mà cũng rất cần thiết cho nhiều doanh nghiệp, muốn tự vệ trước các đe dọa từ thế giới Dark Web.
Kinh doanh, nhưng Aleph Networks không quên sứ mệnh chiến đấu vì nghĩa cả. Kỹ sư Hernandez cùng các cộng sự khẳng định không phản bội lại thế giới của “những hiệp sĩ rừng xanh”. Aleph từ chối gần một nửa đơn đặt hàng, do không đáp ứng được các nguyên tắc đạo lý của công ty và cũng là theo tư vấn của một số khách hàng trong bộ máy chính quyền.
Người sáng lập Aleph Networks tự coi mình như một “vị thần bảo trợ thành bang” (protecteur de la cité), theo đúng tinh thần của người Hy Lạp thời cổ đại. “Google của thế giới Dark Web”, là một công cụ cực kỳ hữu dụng, nhưng nguy hiểm, không thể giao phó nó cho những người không đáng tin cậy.