Theo Bộ Tư pháp, qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong công tác xây dựng thể chế pháp luật.
Trên cơ sở Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Chiến lược cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực cho quá trình chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mở cửa, hội nhập.
Chỉ tính từ ngày 1/1/2005 đến hết năm 2019, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hơn 310 luật, bộ luật và pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành trên 2.100 nghị định và các bộ, ngành đã ban hành hơn 9.000 thông tư, thông tư liên tịch. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội đều đã có luật điều chỉnh với nội dung quy định ngày càng tiệm cận gần hơn với các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức |
Điều đó thể hiện rõ trong quy định của các đạo luật có tính rường cột của quốc gia như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Cạnh tranh năm 2018…
Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật ở Việt Nam về nhiều mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý những vấn đề mới phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế, pháp luật hiện hành còn thiếu nhiều quy định tạo cơ sở pháp lý cho sự vận hành các mô hình kinh doanh mới, nhất là kinh tế chia sẻ; thiếu nhiều quy định thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển; chưa tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội.
Hay trong lĩnh vực chính phủ điện tử, thành phố thông minh, pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế để phát triển hạ tầng số tương xứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0. Thể chế điều chỉnh hoạt động phân tích, hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực thi (phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm) chưa tạo cơ sở pháp lý cần thiết để ứng dụng các công nghệ hiện đại của Cách mạng 4.0.
Ảnh minh họa |
Trong lĩnh vực tư pháp và tố tụng, thiếu một số quy định cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý các tội phạm công nghệ cao; thiếu các cơ sở pháp lý cần thiết để thiết lập tòa án trực tuyến và các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến tiện lợi khác mà nhiều quốc gia đã ứng dụng thành công…
Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy làm chính sách, pháp luật thích ứng với những tác động của cuộc Cách mạng 4.0. Không thể lấy lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới. Việt thiết kế khung pháp lý, cơ chế và chính sách (tổng thể và trong từng lĩnh vực cụ thể) phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với những tư duy mới, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.
Yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật nhằm tận dụng cơ hội và ngăn ngừa mặt trái của sự phát triển công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cấp bách. Điều đó đòi hỏi sự chung tay, chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân.