Lãnh đạo Công ty CP Hà Khẩu “giơ lưng chịu đòn“?

(PLO) - Không có một chức vụ, quyền hạn nào liên quan đến công tác quản lý kinh tế của Nhà nước nhưng bà Nguyễn Thị Lý (SN 1970) và ông Vũ Đình Mạnh (SN 1964) vẫn bị bắt giam, truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lãnh đạo Công ty CP Hà Khẩu “giơ lưng chịu đòn“?

Với quan điểm buộc tội trong vụ án này, có lẽ hàng loạt người đang kê khai, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) khi bị thu hồi đất không khỏi… run tay.

“Quy định” là quy định nào?

Như Báo PLVN đã thông tin thì vụ việc bắt nguồn từ việc Cty Hà Khẩu bị thu hồi đất nên được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh thẩm định và lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người lao động trong Cty phải ngừng việc theo quy định.
Qua quá trình thẩm định, ngày 15/7/2011 UBND thành phố Hạ Long đã có Quyết định số 2234/ QĐ- UBND “phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 41 lao động bị ngừng việc” với kinh phí phải chi trả hơn 1,1 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình chi trả tiền, 11 lao động của Cty Hà Khẩu đề nghị UBND TP.Hạ Long “can thiệp”.
Cơ quan này tiếp tục đề nghị công an vào cuộc dẫn đến việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Lý- Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đình Mạnh - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Cty Hà Khẩu về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhưng điều vô lý ở chỗ, Cty Hà Khẩu là một Cty cổ phẩn, không có phần vốn của Nhà nước thì hai bị can này không có cái gì gọi là “chức vụ, quyền hạn” trong quản lý kinh tế của Nhà nước. Không hiểu sao, họ vẫn bị “khoác” một tội danh vốn chỉ có quan chức liên quan đến quản lý kinh tế của Nhà nước mới “dính”.
Theo Cáo trạng của VKSND TP.Hạ Long thì hai bị can Lý và Mạnh đã có hành vi: Lập phương án đề nghị Nhà nước bồi thường, hỗ trợ không đúng thực tế đối với 20 lao động không bị ngừng việc, mất việc; lập chứng từ trả tiền cho 9 lao động (trong số 20 người) không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ; không thực hiện đúng phương thức chi trả và số tiền chi trả theo quy định, chiếm đoạt hơn 886 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong bản Cáo trạng này đã không thấy VKSND TP.Hạ Long viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật nào về “quản lý kinh tế” để thấy rõ hai bị can đã “làm trái” như thế nào. Trái lại, cơ quan này lại viện dẫn hai văn bản ở một lĩnh vực hoàn toàn khác là Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Quyết định 499/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh (về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi).
Giám đốc doanh nghiệp chịu tội thay cán bộ?
Tạm chấp nhận chuyện “râu nọ, cằm kia” này thì theo nội dung 2 văn bản trên, có thể thấy, bà Lý chỉ có trách nhiệm “kê khai” những thiệt hại của Cty để cơ quan chức năng xác minh, kiểm tra rồi lập phương án bồi thường. Phương án này còn qua nhiều thẩm tra rồi mới được UBND TP.Hạ Long phê duyệt chính thức. Bà Lý không có quyền năng gì trong việc “quyết” phương án bồi thường cho lao động của Cty.
Điều 55 Nghị định 84/2007 quy định rõ, người bị thu hồi đất “kê khai những người có hợp đồng lao động mà người thuê lao động có đăng ký kinh doanh” nhưng ở đây bà Lý lại bị buộc làm quá khả năng của mình là “lập phương án sắp xếp lao động một cách cụ thể (về số người mất việc, ngừng việc)”. Thử hỏi, quá trình bồi thường, trả tiền kéo dài cả năm trời thì làm sao có thể tránh khỏi sự biến động về số lượng người mất việc, thôi việc hoặc ngừng việc?
Nếu trong trường hợp này, ngân sách nhà nước bị thiệt hại do việc tính toán bồi thường sai thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về hàng loạt các cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, thẩm tra nội dung kê khai và lên phương án, phê duyệt phương án bồi thường cho Cty Hà Khẩu.
Nhưng những người có chuyên môn, nghiệp vụ và được ăn lương để thực hiện nhiệm vụ GPMB thì được “vô can”. Trong khi đó, người chỉ biết kê khai thiệt hại của Cty khi bị thu hồi đất thì lại rơi vào vòng lao lý. Phải chăng, trong vụ án này bà Lý đã phải “thế mạng” cho một số người?.
Hành vi thứ hai mà bà Lý, ông Mạnh bị quy kết là “không thực hiện đúng phương thức chi trả và số tiền chi trả theo quy định”. Mà “quy định” này chính là Quyết định “phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 41 lao động bị ngừng việc” số 2234/ QĐ- UBND TP.Hạ Long.
Nhưng bản thân CQĐT, VKSND TP.Hạ Long đã cho rằng bà Lý lập phương án đề nghị bồi thường không đúng, tức là Quyết định số 2234 nêu trên cũng không chuẩn. Đáng lẽ, CQĐT phải đề nghị UBND TP. Hạ Long thu hồi, tạm dừng thực hiện Quyết định số 2234 có sai sót nêu trên và sửa chữa bằng một quyết định khác thì lại quy tội bà Lý vì không thực hiện theo văn bản sai này?. Đến khi bà Lý “sửa sai” quyết định của thành phố, tiến hành thu lại tiền từ người lao động thì “công” lại bị chuyển thành “tội”?.
Đại diện Cty CP.Hà Khẩu cho hay, tháng 9/2010 UBND TP.Hạ Long đã có Quyết định phê duyệt số tiền “ngừng việc” trả cho người lao động trong Cty là hơn 564 triệu đồng. Nhưng sau đó 2 tháng, quyết định đó đã bị cơ quan này hủy bỏ và đến tháng 7/2011 lại có Quyết định 2234 phê duyệt số tiền bồi thường lên đến hơn 1,1 tỷ đồng. Lạ lùng hơn, nội dung Quyết định này đã xuất hiện khái niệm mới là “bồi thường mất việc” (trong các văn bản pháp luật về bồi thường GPMB chỉ có khái niệm “bồi thường ngừng việc”). Trong khi đó, mức tiền và nguồn tiền của 2 loại bồi thường trên là khác nhau. Tiền “bồi thường mất việc” được chi từ nguồn quỹ dự phòng của doanh nghiệp, tiền “bồi thường ngừng việc” được lấy từ khoản bồi thường khi bị Nhà nước thu hồi đất.
Và chính sự phức tạp do chính quyền “đẻ” ra khái niệm “bồi thường mất việc” khiến doanh nghiệp bối rối và có nhiều cách hiểu khác nhau về cách thức chi trả, dẫn đến khiếu nại của người lao động. Nhưng rất tiếc, tranh chấp lao động này đã vội vàng bị “hình sự hóa” dẫn đến Giám đốc vào trại giam, Cty thì đang trên bờ vực phá sản. 

Đọc thêm