Phiên toà hy hữu: Bị hại tàn phế, co ro nằm trước vành móng ngựa

(PLO) -Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, còn bị hại nằm co ro trên manh chiếu cũ ở khoảng trống ngay sau lưng bị cáo. Cách đó không xa là một số thiết bị y tế dùng cho việc chăm sóc nạn nhân. Thi thoảng, nạn nhân ho khan, thở dốc...
Bị cáo (áo sọc) xin lỗi và hỏi thăm nạn nhân tại tòa
Bị cáo (áo sọc) xin lỗi và hỏi thăm nạn nhân tại tòa
Ngày 16/7, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đối với bị cáo Nguyễn Trung Nguyên (SN 1977, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm. Không bắt buộc phải có mặt ở phiên xét xử này, thế nhưng bị hại vẫn yêu cầu con cháu đưa mình đến chỉ để nhìn mặt kẻ đã đâm mình.
Phiên tòa trở nên đặc biệt, khi bị cáo đứng trước vành móng ngựa, còn bị hại nằm co ro trên manh chiếu cũ ở khoảng trống ngay sau lưng bị cáo. Cách đó không xa là một số thiết bị y tế dùng cho việc chăm sóc nạn nhân. Thi thoảng, nạn nhân ho khan, thở dốc,...
Từ một người khỏe mạnh, phụ giúp con cháu công việc gia đình, bà Hạng trở thành người tàn phế. Mọi sinh hoạt cá nhân bà phải nhờ vào sự giúp đỡ, chăm sóc của con cái.
Vụ việc xảy ra vào năm 2012, khi Nguyên là nhân viên sửa chữa xe trong một gara ô tô ở Hoàng Mai, Hà Nội (gần nhà bà Hạng). Hôm ấy, khi sửa xe cho khách xong, Nguyên lên xe đi thử để kiểm tra xe, mục đích giữ uy tín với khách. Trên đường lái xe quay về gara, Nguyên mất lái, đâm vào bà Hạng đang ngồi trước cửa nhà. Cú đâm khiến bà Hạng bị thương nặng tới 84,3% sức khỏe: phải tháo khớp háng bên trái, dập nát vùng ụ ngồi, mu chậu trái, cẳng chân phải bị thương nặng...
Gây tại nạn nhưng Nguyên đã không đưa bà Hạng đi cấp cứu, đồng thời cũng không một lần vào thăm bà Hạng. Do đó, bà Hạng đã rất muốn đến dự phiên tòa để được chính mắt bà nhìn thấy Nguyên - kẻ đã đâm bà.
Nguyên chỉ biết đổ lỗi “bị cáo sợ”. Nghe Nguyên nói, con trai nạn nhân bức xúc: “Mẹ tôi bị thương tật tới 84,3%, anh cũng không có một động thái nào hỗ trợ điều trị hay thăm hỏi tình cảm. Rất nhiều lần bản thân tôi cùng gia đình gọi điện cho anh, anh mới cho người mang ít tiền lên hỗ trợ điều trị cho mẹ tôi. Anh làm việc cách nhà tôi không phải quá xa,chỉ vài trăm mét, chúng tôi cũng không có bất cứ hành động nào gây hấn quá khích hay đe dọa anh... Hai năm rồi chứ có phải mới ngày hôm qua đâu...”. 
Vì thế mà người nhà của bà Hạng cũng mong muốn xét xử đúng người, đúng tội để răn đe vì Nguyên không có ý ân hận và xin lỗi. Nghe những lời trách móc của gia đình nạn nhân, bị cáo Nguyên chỉ biết cúi đầu im lặng. 
Khi HĐXX hỏi Nguyên có khắc phục thêm được cho gia đình bị hại không, Nguyên chỉ biết nêu hoàn cảnh gia đình mình khó khăn, bị cáo đã phải bán nhà để trang trải nợ nần... 
Sau khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Nguyên cùng vợ ngồi xuống chỗ nạn nhân nằm để thăm hỏi, nói lời xin lỗi. Lắng nghe lời trách móc của nạn nhân cùng người nhà nạn nhân, gương mặt bị cáo Nguyên tỏ chút hối hận muộn màng.
HĐXX tuyên chấp nhận kháng cáo của bị hại, tuyên phạt bị cáo Nguyên 24 tháng tù giam. Về dân sự, buộc bị cáo Nguyên tiếp tục bồi thường số tiền hơn 773 triệu còn lại cho chi phí điều trị cho nạn nhân và mỗi tháng phải bồi thường 5 triệu/tháng để chăm sóc nạn nạn nhân cho đến khi bà Hạng qua đời.

Đọc thêm