Xuân đến sớm sau 13 năm bị hàm oan

(PLO) - Sau nhiều năm đơn thư, đến tháng 1/2015 nhờ sự trợ giúp của Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), ông Trương Bá Nhàn mới chính thức được xin lỗi, minh oan và bồi thường 295 triệu đồng.
Ông Trương Bá Nhàn (áo đen) và luật sư của mình trong ngày được minh oan.
Ông Trương Bá Nhàn (áo đen) và luật sư của mình trong ngày được minh oan.
Vụ trọng án
Vào một ngày cuối năm 2001, bà Hoàng Thị Kim A. (ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) được phát hiện chết trong phòng ngủ với nhiều vết thương ở đầu và mặt, các vật dụng trong nhà bị lục tung… Người nhà bà A. cho biết bị mất 60- 80 triệu đồng và 5-6 lượng vàng. 
Khoảng hai tháng sau khi xảy ra án mạng, ông Trương Bá Nhàn đang làm rẫy ở Bình Phước thì bị lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh ập đến bắt giữ, với cáo buộc là hung thủ trong vụ án “Giết người”, Cướp tài sản” vì dấu vân tay của ông có trên hộc tủ tại hiện trường.  Sau khi lấy mẫu vân tay của nhiều người, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM kết luận: “Dấu vân tay phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở phòng ngủ nạn nhân với dấu tay ngón “nhẫn phải” trên chỗ bản mẫu so sánh mang tên Trương Bá Nhàn là do ngón tay của cùng một người in ra”.
Quá trình điều tra, ông Nhàn kêu oan, giải thích là anh em bà con với chồng nạn nhân, thường qua lại như người một nhà. Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ án, ông vào phòng ngủ kê giùm tủ cho bà A., chắc có đụng tay vào hộc tủ đựng tiền nên để lại dấu vân tay. Buổi sáng hôm xảy ra vụ án, ông cùng người bạn đi bỏ mối khẩu trang ở khu vực quận Bình Thạnh đến trưa thì về. Khoảng 11 giờ 30, ông đến phòng khám ở quận Thủ Đức chờ đến 12 giờ để khám răng. Trong khoảng thời gian này thì vụ án xảy ra, ông đều có nhân chứng xác minh mình ngoại phạm. 
Một chi tiết khác dẫn đến việc cơ quan điều tra khẳng định ông Nhàn có tội là ông từng khoe với chồng nạn nhân H. về số tiền, vàng được mẹ vợ cho sau khi bán đất. Kỳ lạ là tài sản này trùng khớp với tài sản mà gia đình bà A. bị cướp khi bà này bị sát hại. Số tiền, vàng này cơ quan công an thu giữ làm tang vật vụ án. 
Tuy nhiên, người mua đất từ gia đình mẹ vợ của ông Nhàn có khai, khi giao vàng có ký tên trên vàng miếng. Khi công an trưng vật chứng, rõ ràng vàng miếng công an thu giữ có chữ ký của người nói trên. Mặc dù vậy, cơ quan điều tra vẫn kết luận ông Nhàn là hung thủ giết người và cướp tài sản. Dù chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục, ông Nhàn vẫn bị bắt giam hơn 3 năm trời. 
Đến đầu tháng 6/2006, cho rằng “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”, cơ quan điều  tra đã đình chỉ điều tra bị can với ông Nhàn. Sau đó, ông Nhàn gửi đơn đến VKSND TP.HCM yêu cầu được xin lỗi công khai tại nơi cư trú, đăng cải chính trên báo và được bồi thường gần 900 triệu đồng gồm các khoản về tổn thất tinh thần, sức khỏe, mất thu nhập...
Suốt 6 năm chờ đợi, cuối tháng 12/2012, ông Nhàn tiếp tục gửi hồ  sơ đến VKSND TP.HCM đòi bồi thường. Mãi đến đầu năm 2015, cơ quan này mới ký biên bản thỏa thuận bồi thường số tiền 295 triệu đồng cho ông. 
Người đàn ông 53 tuổi gầy gò, giọng nói nhẹ nhàng, hiền từ. Mỗi lần nhắc đến vụ án gần 15 năm về trước, ông Nhàn như muốn khóc:“Tôi chỉ mong sao lần này người ta xin lỗi, bồi thường thật sự. Tôi cần nhất là lời xin lỗi của những người gây oan sai cho mình”. 1.346 ngày ngồi tù oan, với ông là chuỗi ngày địa ngục. Nhưng gần 10 năm ông đội đơn đi khắp nơi, gõ cửa các cơ quan chức năng đòi bồi thường oan sai còn cay đắng, cơ cực hơn nhiều. 
“Trong đơn yêu cầu bồi thường, tôi chấp nhận không thiệt hại gì về sức khỏe, có những khoản mà tôi yêu cầu bồi thường, họ yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ. Thử hỏi, nông dân nào có giấy tờ chứng minh các khoản thu nhập, lương hàng tháng…”, ông Nhàn giãi bày.
Ông Nhàn kể: Từ ngày bị vướng lao lý, cuộc sống gia đình ông đảo lộn hoàn toàn. Đến khi được trả tự do, ông mang mặc cảm của người không còn tiền bạc, tài sản, gia đình cũng tan nát hết. Gần chục năm ròng rã kêu oan, giờ đây ông mới được minh oan thật sự./.

Đọc thêm