Ngày 24/10/2016, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, 2.318 người di cư đã được đưa ra khỏi khu lán trại trái phép nằm dọc các cánh rừng ngoại ô thành phố cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, trong ngày đầu tiên của chiến dịch giải tỏa và sơ tán khu lán trại tạm bợ này.
Bước đầu suôn sẻ
Theo Bộ trưởng Cazeneuve, dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát, 1.918 người đã được đưa bằng xe buýt đến 80 trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở 11 khu vực của Pháp, trong khi 400 trẻ vị thành niên cũng được đưa đến các trung tâm tiếp nhận tạm thời. Mặc dù có một vài cuộc ẩu đả buộc cảnh sát phải can thiệp, ông Cazeneuve cho biết chiến dịch giải tỏa và sơ tán khu lán trại ở Calais nhìn chung diễn ra một cách trật tự và suôn sẻ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho biết London cam kết chi 36 triệu bảng (44 triệu USD) hỗ trợ Pháp tiến hành chiến dịch giải tỏa và sơ tán khu lán trại ở Calais, đồng thời giúp tăng cường kiểm soát biên giới qua đường hầm Calais giữa Anh và Pháp. Mặc dù không công bố con số cụ thể, bà Rudd cam kết ủng hộ chiến dịch đưa những trẻ em có đủ điều kiện pháp lý từ Pháp sang Anh một cách an toàn và sớm nhất. Trước đó, khoảng 200 em đã được đưa đến Anh từ Calais, trong đó có 60 bé gái và nhiều em đối mặt với nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục. Những trường hợp trẻ em không có người thân đi cùng, chứng minh được có họ hàng tại Anh cũng sẽ được đưa đến Anh qua đường hầm Calais.
Theo kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ giải tỏa khu lán trại trái phép tại Calais. Người di cư sẽ được chia thành 4 nhóm, phân chia theo gia đình, nam giới độc thân, trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Họ sẽ được di chuyển trên 145 xe buýt tới 300 trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp. Khoảng 1.250 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh trong suốt quá trình giải tỏa khu lán trại và áp giải người di cư đến các trung tâm tị nạn.
Trước đó, ngày 18/10 vừa qua, một tòa án ở Pháp đã cho phép nhà chức trách nước này tiến hành giải tỏa nhanh các khu lán trại tạm bợ tại Calais. Tòa hành chính của thành phố Lille yêu cầu trong quá trình giải tỏa, nhà chức trách Pháp không được đi ngược với nguyên tắc cấm đối xử vô nhân đạo với người tị nạn.
Đẩy nhanh tiến độ
Ngày 25/10, Pháp đã đẩy nhanh tiến độ phá dỡ khu lán trại trái phép nằm dọc các cánh rừng ngoại ô thành phố cảng Calais. Sau 2 ngày đầu của chiến dịch giải tỏa khu lán trại tự phát này, hơn 3.000 người di cư đã được sơ tán.
Hoạt động phá dỡ được tiến hành trên quy mô lớn nhằm san bằng khu lán trại nhếch nhác và bẩn thỉu này, nơi sinh sống của khoảng 6.000-8.000 người di cư, phần lớn là người Afghanistan, Sudan và Eritrean. Với sự hỗ trợ của cảnh sát chống bạo động, công nhân phá dỡ tiến hành kéo đổ các lều trại trống và thu gom chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt người di cư bỏ lại để chuyển đi. Xe chữa cháy cũng được điều tới sau khi một số người di cư đốt cháy lều trại chống lại việc đóng cửa khu lán trại Calais.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết một phần khu lán trại này đã được san phẳng, 3.182 người di cư đã được chuyển tới các trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp và 772 trẻ em vị thành niên không có bố mẹ đi cùng cũng được đưa đến các trung tâm tiếp nhận tạm thời. Ngoài ra, nhà chức trách Pháp thông báo những người đồng ý chuyển tới các trung tâm tạm trú hợp pháp có thể xin tị nạn tại Pháp và những người chống lại có nguy cơ bị trục xuất.
Trả lời báo “The Guardian”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve yêu cầu Anh phải gánh trách nhiệm tiếp nhận những trẻ vị thành niên tị nạn không có người lớn đi kèm hiện đang tạm trú ở Calais. Trước đó, London đã đồng ý cho khoảng 100 trẻ vị thành niên đoàn tụ gia đình nhưng hiện vẫn còn gần 1.200 trẻ vị thành niên tại đây, chủ yếu đến từ Sudan, Afghanistan, Ethiopia, trong số đó có gần 500 người có gia đình tại Anh.
Thành phố cảng Calais trở thành “điểm nóng” của người tị nạn kể từ năm ngoái, khi hàng chục nghìn người nhập cư trái phép đổ tới thành phố này chờ cơ hội trốn sang Anh. Nhà chức trách Pháp đã tiến hành nhiều chiến dịch giải tỏa khu lán trại ở Calais nhưng vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của người nhập cư tại đây. Cuối tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm thị sát tới Calais, Tổng thống François Hollande đã tuyên bố đóng cửa khu lán trại Calais từ nay đến cuối năm.
Một phụ nữ tị nạn tại Calais. (Nguồn: AP) |
Vấn đề nan giải
Thực tế cho thấy, một số lượng lớn trong số 60 triệu người tị nạn và di cư đang tập trung tại “tâm bão” của khủng hoảng di cư toàn cầu là châu Âu. Chỉ tính riêng trong năm 2015, hơn một triệu người di cư trong đó phần lớn đến từ Syria, Libya, Iraq và một số nước khác ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi đã đổ về châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng tồi tệ.
Thách thức của cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu gia tăng đột biến đã tác động tới nhiều lĩnh vực, không chỉ về kinh tế-xã hội, mà còn làm lung lay các giá trị “nhân văn” vốn có đối với Lục địa già và gây chia rẽ nội bộ các quốc gia trong mái nhà chung châu Âu. Không những thế, đối với Chính phủ nhiều nước châu Âu, vấn đề người di cư trái phép không chỉ là gánh nặng tài chính mà còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bởi biển Địa Trung Hải được coi là cửa ngõ để người di cư và các phần tử Hồi giáo cực đoan từ Bắc Phi, Trung Đông tìm cách len lỏi vào châu Âu. Minh chứng rõ nhất là loạt vụ xả súng và đánh bom đẫm máu xảy ra ngày 13/11/2015 ở thủ đô Paris của Pháp, làm 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương, đã trở thành hồi chuông cảnh báo về sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố núp bóng làn sóng người di cư...
Bên cạnh đó, việc các nước áp dụng những biện pháp kiểm soát biên giới để ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa trực tiếp tới quyền tự do đi lại trong EU, gây nên những hoài nghi về khả năng tồn tại của khu vực tự do đi lại Schengen.
Trong khi nhiều quốc gia châu Âu còn chưa tìm được lời giải cho “bài toán” nhập cư, hàng trăm nghìn người di cư vẫn tiếp tục hành trình bất chấp những hiểm nguy trên biển hay băng qua các vùng chiến sự ác liệt, để đến với “miền đất hứa” châu Âu trong năm 2016. Họ chấp nhận đánh cược mạng sống vào tay những kẻ buôn người với mức giá từ 7.000-8.000 euro cho hành trình vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Nhưng không phải ai trong số họ cũng may mắn thực hiện được hành trình “giấc mơ đến châu Âu”.
Theo thống kê trong “The Migrants Files” (Hồ sơ tị nạn) của Nhóm các nhà báo từ hơn 10 nước châu Âu đã có 1.473 người bị thiệt mạng trên hành trình di cư tới châu Âu trong năm 2015. Còn tính riêng từ đầu năm 2016 tới nay, số người di cư thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải là 3.211 người.
Một thực trạng rõ ràng là nhiều người đã thiệt mạng hoặc bị bóc lột tàn bạo trên đường đi tìm “miền đất hứa”. Những người may mắn sống sót, dù có tìm được “bến đỗ tạm thời” thì cũng luôn phải sống trong tâm trạng sợ hãi, thiếu thốn các dịch vụ cơ bản và phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tấn công bạo lực, kỳ thị.
Trong số những nước ở châu Âu, Italy và Hy Lạp tiếp tục là hai “điểm đến” chính của người di cư khi vượt biển Địa Trung Hải.
Kể từ đầu năm 2016, Bộ Nội vụ Italy cho biết đã có khoảng 124.500 người di cư đến Italy. Đó là chưa kể trong khoảng 3 năm qua, Italy đã cứu hơn 400.000 người tị nạn cố vượt Địa Trung Hải. Trong bối cảnh các quốc gia láng giềng ở châu Âu thắt chặt an ninh biên giới nhằm ngăn chặn người nhập cư, Italy phải đối mặt với làn sóng người di cư ngày càng gia tăng từ các nước xảy ra xung đột ở Trung Đông và châu Phi. Đặc phái viên của LHQ tại Libya mới đây ước tính có khoảng 235.000 người di cư đang sẵn sàng từ Libya vượt biển Địa Trung Hải để tới Italy. Còn tại Hy Lạp, hiện cũng có khoảng 60.000 người tị nạn và di cư, trong đó riêng tại đảo Lesbos có hơn 5.600 người, vượt hơn 2.000 người so với sức chứa của các trại tị nạn trên đảo này. Hầu hết những người này đang chờ cơ hội đến Đức và các quốc gia giàu có khác ở châu Âu.
Chính vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chiến dịch giải tỏa và sơ tán khu lán trại trái phép tại Calais đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ Pháp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn vốn đang gây nhức nhối.
Cảnh báo bác bỏ dự thảo ngân sách của EU
Thủ tướng Italy Matteo Renzi cảnh báo sẽ bác bỏ dự thảo ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) do sự thiếu sự thống nhất từ các nước thành viên châu Âu khác trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay tại “Lục địa già”.
Phát biểu trên kênh truyền hình Italy “RAI 1”, ông Renzi cho biết Italy đóng góp 20 tỷ euro vào ngân sách hàng năm của EU và chỉ nhận lại 12 tỷ euro, do vậy nếu các nước Hungary, CH Séc và Slovakia muốn “lên lớp” Italy về vấn đề người di cư thì nước này sẽ ngừng đóng góp. Thủ tướng Renzi chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia Trung Âu nói trên đóng chặt đường biên giới và từ chối tiếp nhận người tị nạn theo kế hoạch phân bổ của EU trong bối cảnh châu Âu đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, đã có tới 15.000 người di cư tới các bờ biển của Italy, làm gia tăng căng thẳng tại nước này khi các trại tiếp nhận luôn trong tình trạng quá tải và nguồn quỹ nhà nước đang dần cạn kiệt.