Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 712 năm Đức Vua-Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2020), tưởng nhớ đến công đức to lớn của Ngài đã xây dựng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cuộc thi cũng nhằm tôn vinh những nét tinh hoa, giá trị đặc sắc trong mọi hoạt động của Phật giáo Việt Nam đối với đời sống xã hội, khai thác, phát huy những nội dung, giá trị đặc sắc trong di sản tư tưởng, văn hóa của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm...
Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 20/11/2020. Các Phật tử, nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên, thậm chí cả người nước ngoài đều có thể tham gia cuộc thi bằng cách gửi tác phẩm qua website www.thianhphatgiao2020.com.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết cuộc thi kỳ vọng tạo thành một bộ sưu tập câu chuyện hình ảnh giúp người đam mê nghiên cứu về Phật giáo có nhiều góc nhìn đa chiều, mở rộng hiểu biết về Phật giáo với những giá trị niềm tin, tư tưởng, nhận thức trong cuộc sống của người dân qua từng thời kỳ.
Ban tổ chức không giới hạn khoảng thời gian bức ảnh được sáng tác nhưng ưu tiên các tác phẩm sáng tác trong thời gian gần đây. Ảnh cần tập trung vào 4 chủ đề: Kiến trúc Phật giáo; Nghi lễ thờ tự; Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam. Trong đó, khuyến khích các tác phẩm ảnh chụp về Phật giáo Trúc Lâm tại vùng đất thiêng Yên Tử, đặc biệt là quần thể kiến trúc, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá chùa Ngoạ Vân (Đông Triều, Quảng Ninh), nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo.
Thượng tọa Thích Minh Hiền - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban giám khảo - lưu ý các tác giả nên chú ý chọn góc nhìn nghệ thuật, không tập trung quá nhiều vào các sự kiện Phật giáo như họp hành, cúng bái… thì sẽ mất tính thiền, sai tinh thần của cuộc thi.
Thượng tọa Thích Minh Hiền thông tin về cuộc thi |
“Gần đây, tôi thấy các cuộc thi ảnh thường thu hút đông đảo các tác giả tham gia. Ngay cả cuộc thi này, đến nay cũng đã nhận được hơn 2.000 ảnh của 446 tác giả nhưng nhìn vào chất lượng thì nhiều ảnh chỉ mới có ‘hình’ mà không có ‘sáng.’ Tức là, có khắc họa nhân vật, sự vật, nhưng thiếu đi ánh sáng, thiếu đi linh hồn của tác phẩm,” Thượng tọa Thích Minh Hiền cho biết.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Việt Văn đồng tình cho rằng, ngoài 50% điểm về nội dung, ban giám khảo "chờ đợi những tác phẩm, những bức ảnh có tính suy tư, biểu tượng... của Phật giáo để nâng cao chất lượng cuộc thi".
Trong khi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Việt Thanh đánh giá chủ đề cuộc thi đưa ra là Phật giáo trong đời sống vừa dễ lại vừa khó, dễ vì màu sắc của Phật giáo dễ thể hiện trong nhiếp ảnh nhưng khó để có tác phẩm thật đặc biệt. Anh nhấn mạnh yếu tố bản quyền sẽ được ban tổ chức kiểm soát chặt chẽ, tác giả sẽ phải chịu trách nhiệm về bức ảnh tham dự cuộc thi.
Cuộc thi dự kiến trao 2 bộ giải thưởng, giải thưởng chính và giải thưởng dành cho ảnh có nội dung về khu Di tích Ngọa Vân-Hồ Thiên. Ngoài ra sẽ chọn 150 ảnh xuất sắc để triển lãm (dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 10-20/12/2020 tại Am Chùa Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh; và từ ngày 25-31/12/2020 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội).