Tới dự Lễ phát động cuộc thi có Bí thư Thứ Nhất TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Lê Tấn Dũng.
Các đại biểu tham dự Lễ phát động cuộc thi |
Về phía Bộ Tư pháp có nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu. Tham dự lễ phát động còn có đại diện một số cơ quan, tổ chức, đoàn thể Trung ương và địa phương; Ban Giám hiệu, thầy, cô giáo và học sinh của Trường THPT Chu Văn An; đại diện Ban Giám hiệu và học sinh, sinh viên một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP Hà Nội và các nhà tài trợ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi |
Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi nêu rõ: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong những năm qua, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn để đưa pháp luật đến với học sinh, học viên, sinh viên. Nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cả chính khóa và ngoại khóa đã được thực hiện nhằm trang bị kiến thức pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nhận thức về trách nhiệm xã hội, về nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng nếp sống tuân thủ Hiến pháp, pháp luật cho các em.
Các lãnh đạo nhấn nút phát động cuộc thi |
Đặc biệt, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, từ năm 2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Egroup tổ chức thí điểm tại 3 địa phương và năm 2017 đã tổ chức trong toàn quốc Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh Trung học Phổ thông. Trong 2 năm tổ chức, Cuộc thi đã thu hút gần 270 nghìn học sinh đăng ký dự thi, hơn 600 nghìn lượt dự thi, tạo hiệu ứng xã hội tích cực và sức lan tỏa rộng lớn.
Tiếp nối thành công đó, năm nay, Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi với tên gọi “Pháp luật học đường” trong phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các em học sinh Trung học Phổ thông; học sinh, học viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. "Cuộc thi không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của các em học sinh, học viên, sinh viên mà còn giúp các em có thêm kiến thức pháp luật, thấy pháp luật dễ hiểu, gần gũi; thấy việc chấp hành pháp luật là cần thiết", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Cuộc thi trực tuyến còn thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 Hội nghị TW 8 Khóa XI và quy định của Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua, cũng như định hướng mới của của công tác PBGDPL.
Để Cuộc thi đạt được kết quả như mong muốn, thay mặt Ban Tổ chức, Thứ trưởng trân trọng đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo, tổ chức phổ biến sâu rộng về Cuộc thi; đẩy mạnh công tác truyền thông và vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên, học viên tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi. Kịp thời động viên, khen thưởng các em đạt giải tại các vòng thi và các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia Cuộc thi.
Đề nghị các Sở Tư pháp cần phát huy vai trò nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo của địa phương mình tích cực hưởng ứng, tổ chức thật tốt cuộc thi; có biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Cuộc thi để thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh, học viên, sinh viên.
Thứ trưởng cũng đề nghị Ban Giám hiệu, các thầy giáo, cô giáo các trường trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm động viên, khích lệ, tạo điều kiện, có biện pháp biểu dương kịp thời để thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh trong nhà trường vào Cuộc thi.
Đề nghị Ban Tổ chức Cuộc thi, Công ty CP Tập đoàn E-group thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tham mưu thực hiện các hoạt động của Cuộc thi để bảo đảm Cuộc thi được chính xác, khách quan, công bằng; kịp thời nắm bắt, xử lý hoặc tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức Cuộc thi.
Thứ trưởng mong các em học sinh, học viên, sinh viên, ngoài việc học thật tốt các môn học trong chương trình giáo dục, đào tạo, còn tích cực, chủ động, tự nguyện tham gia cuộc thi và gặt hái thật nhiều kết quả tốt đẹp từ Cuộc thi, góp phần trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân để vững tin bước vào đời, trở thành công dân tốt của đất nước; người con hiếu thảo của gia đình.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức Cuộc thi “Pháp luật học đường”, Thứ trưởng cám ơn Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup đã giúp chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để tổ chức Cuộc thi; cám ơn các nhà tài trợ đã và sẽ đồng hành với Cuộc thi. Đặc biệt, Thứ trưởng cảm ơn Ban giám hiệu, các thày giáo, cô giáo cùng các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã tạo điều kiện tổ chức và tích cực tham gia Lễ phát động này.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu hy vọng cuộc thi “Pháp luật học đường” sẽ nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các trường THPT; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp trong các em học sinh, sinh viên cả nước.
Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Lê Mai Anh cam kết sẽ đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện cho các học sinh tham gia cuộc thi |
Hưởng ứng cuộc thi, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Lê Mai Anh cam kết sẽ đồng hành để các em học sinh triển khai, hướng dẫn, giám sát đôn đốc các em học tập và hiểu biết về pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến học sinh, đoàn viên, thanh niên nói riêng. Trường THPT Chu Văn An sẽ triển khai hiệu quả cuộc thi, tạo điều kiện khích lệ các em tham gia cuộc thi.
Lãnh đạo các ngành tham quan phòng máy nơi các em học sinh thi thử |
Cuộc thi được chia thành 03 vòng: Vòng loại, Vòng bán kết và Vòng chung kết. Riêng giải thưởng Vòng chung kết (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích và một số giải phụ) được trao cho các thí sinh đạt giải kèm theo Giấy Giấy chứng nhận và hiện vật (nếu có). Ngoài ra, các thí sinh đạt giải Nhất, giải Nhì Vòng chung kết được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội theo Đề án tuyển sinh của Trường. Thí sinh đạt giải Nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội.
Sau Lễ phát động, Cuộc thi sẽ chính thức khởi động vòng loại bắt đầu từ ngày 11/11/2019. Mọi thông tin chi tiết của Cuộc thi đề nghị truy cập tại địa chỉ website: www.timhieuphapluat.vn./.