Phát hiện bất ngờ về hàng lỗ thẳng tắp dưới đáy biển

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học không khỏi bối rối khi phát hiện những cái lỗ bí ẩn xếp thẳng hàng dưới đáy biển Bering. Giờ đây, họ nghĩ rằng "thủ phạm" đã lộ diện.

Trong một chuyến thám hiểm ở vùng nước lạnh của Biển Bering, giữa Nga và Alaska, vào mùa hè năm 2022, một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện những đường lỗ thẳng tắp dưới đáy biển. Thế nhưng, họ không biết ai - hoặc cái gì - đã tạo ra những chiếc lỗ này.

Các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Sonne của Đức đã vào cuộc để tìm kiếm manh mối. Họ sàng lọc hàng trăm hình ảnh từ một camera dưới đáy biển.

Hình ảnh cho thấy những chiếc lỗ hình bầu dục xếp thành hàng dưới đáy biển, mỗi lỗ có kích thước khoảng 2 hoặc 3 cm. Bí ẩn bao trùm những dãy lỗ đó cho tới ngày nay, theo Guardian.

Hàng lỗ hang dưới đáy biển. Ảnh: Thư viện trực tuyến Wiley.

Hàng lỗ hang dưới đáy biển. Ảnh: Thư viện trực tuyến Wiley.

Nút thắt được tháo gỡ một cách tình cờ. Các nhà khoa học đã theo dõi nhiều loài động vật gần đó. Tiến sĩ Julia Sigwart từ Viện Nghiên cứu Senckenberg và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Frankfurt (Đức), cho biết: “Hầu hết ‘nghi phạm’ đều bị loại trừ. Những chiếc lỗ quá nhỏ để nhím biển chui vào và hình dạng không phù hợp với hang giun”.

Sau đó, một người trong nhóm nghiên cứu, bà Angelika Brandt, cũng từ Bảo tàng Senckenberg, nhận thấy một thứ đáng chú ý: Một loài giáp xác nhỏ.

“Angelika nhảy dựng lên, bà ấy chỉ vào màn hình và nói: 'Chính là nó! Thủ phạm đây rồi!’ và sau đó bà ấy chạy ra khỏi phòng”, nhà khoa học Sigwart tường thuật lại.

Một lát sau, bà Brandt quay lại với ổ cứng máy tính và cho mọi người xem đoạn video do một đồng nghiệp quay 40 năm trước. Đó là một loài amphipod đến từ Nam Cực đang bận rộn đào hang trên cát trong bể cá. Con vật vốn là họ hàng của rầy cát sống ở bãi biển - được ghi hình trong điều kiện nuôi nhốt. Nó sử dụng các bộ phận phụ lớn phía trước, chậm rãi xúc cát ra khỏi hố và chất thành một đống gọn gàng mà không để cát trượt trở lại.

Con amphipod Nam Cực trong video trông rất giống sinh vật mà bà Brandt phát hiện ở Biển Bering. “Khi tôi nhìn thấy con vật ngồi trong cái lỗ đó, đó thực sự là một khoảnh khắc déjà vu”, bà chia sẻ.

Amphipod là những động vật giáp xác cực nhỏ, là một thành phần thức ăn thiết yếu trong chuỗi thức ăn chính của thủy sinh vật.

Hiện vẫn chưa ghi hình được cảnh tượng loài Amphipod ở Biển Bering tạo ra dãy lỗ, nhưng bà Brandt và các đồng nghiệp cho rằng chúng có thể đang ăn trầm tích ở các lớp giàu chất dinh dưỡng dưới đáy biển và đào các đường hầm khi di chuyển.

Nếu loài Amphipod này giống như anh em họ của chúng ở Nam Cực, thì loài giáp xác dài 2 cm này cũng có thể dùng hang để sinh sản. Amphipod cái có túi để nuôi con non. Sau khi được sinh ra, ấu trùng không trôi đi như con của nhiều sinh vật biển mà có thể ở trong hang của cha mẹ chúng hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.

“Có hang là một cách để tiếp cận thức ăn, được bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi tiềm ẩn và đó cũng là nơi an toàn để nuôi dạy con cái”, bà Sigwart nói.

Con cá grenadier bơi gần dãy lỗ dưới đáy biển. Ảnh: Thư viện trực tuyến Wiley.

Con cá grenadier bơi gần dãy lỗ dưới đáy biển. Ảnh: Thư viện trực tuyến Wiley.

Những cái hang không chỉ quan trọng đối với bản thân các loài Amphipod mà còn vì chúng tạo ra các hốc cho những loài khác và có lẽ rất quan trọng đối với đa dạng sinh học.

Bà Sigwart nói: “Hầu hết động vật dưới biển sâu đều rất nhỏ - có thể chỉ bằng một milimet. Do đó, một cái hang dài 30 cm là một ngọn núi”. “Với những sinh vật nhỏ bé, thì ngay cả những thay đổi nhỏ về địa hình cũng sẽ có tác động lớn đến môi trường sống và cách chúng tương tác với môi trường”.

Phát hiện này đã mang lại cho các nhà khoa học hy vọng rằng họ có thể đạt được bước tiến trong việc giải mã nhiều dấu vết bí ẩn khác trong lớp bùn dưới đáy đại dương. “Những hoạt động trong và dưới đáy biển là vô cùng đáng kinh ngạc. Ở đó có đầy những dấu vết và hố sâu”, bà Sigwart nói.

Đọc thêm