Phát hiện 'hóa chất độc hại tồn tại vĩnh viễn' trong… giấy vệ sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo một nghiên cứu mới do các chuyên gia từ Đại học Florida, Mỹ thực hiện, trong giấy vệ sinh từ khắp nơi trên thế giới có chứa “hoá chất tồn tại vĩnh viễn” có thể liên quan đến một số bệnh ung thư và làm giảm số lượng tinh trùng.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các chuyên gia từ Đại học Florida cảnh báo rằng giấy vệ sinh có chứa “hóa chất tồn tại vĩnh viễn” độc hại. Những chất này được gọi là perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFA) có thể là nguồn chính gây ô nhiễm nước. Ngoài ra, chúng được chứng minh là có liên quan đến một số bệnh ung thư, thậm chí làm giảm số lượng tinh trùng.

PFA là một nhóm gồm khoảng 14.000 hóa chất nhân tạo, thường được sử dụng để làm cho các mặt hàng tiêu dùng khác nhau có khả năng chịu nhiệt và nước. Các hợp chất này thường được gọi là “hóa chất tồn tại vĩnh viễn”, vì chúng hầu như không bị phân hủy tự nhiên.

Các hóa chất PFA cuối cùng sẽ gây ô nhiễm nước ngầm và quay trở lại nguồn cung cấp thực phẩm. Các hợp chất này có liên quan đến nhiều loại ung thư, tổn thương thai nhi, bệnh gan và thận, cũng như các rối loạn sức khỏe nghiêm trọng khác.

Lý do các nhà khoa học nghiên cứu về giấy vệ sinh là họ từng thực hiện một nghiên cứu trước đó về PFA. Trước đây, họ xem xét sự hiện diện của PFA trong chất rắn sinh học hay còn gọi là chất thải rắn đến từ các nhà máy xử lý nước thải.

Vì vậy, họ muốn tìm hiểu tận cùng vấn đề ô nhiễm PFA và xem liệu giấy vệ sinh có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này hay không. Khi biết rằng “hóa chất vĩnh viễn” được sử dụng trong sản xuất giấy, họ quyết định kiểm tra giấy vệ sinh.

Timothy Townsend, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học Florida, nói với tờ The Hill: “Chúng tôi tự hỏi hóa chất này được sử dụng ở đâu và được biết quá trình sản xuất giấy có liên quan đến những hóa chất vĩnh viễn”.

Nghiên cứu đã kiểm tra 21 thương hiệu giấy vệ sinh lớn ở Bắc Mỹ, Tây Âu, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ, nhưng không nêu tên các thương hiệu để chiết xuất PFA từ giấy và nước thải đã qua xử lý tại Mỹ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, diPAP trong giấy vệ sinh, hợp chất tiền thân có khả năng trở thành các loại PFA khác nhau, chiếm 4% trong hệ thống nước thải của Mỹ và Canada. Ở Châu Âu, con số này tăng vọt lên 35% ở Thuỵ Điển và 89% ở Pháp.

Jake Thompson, tác giả chính của nghiên cứu cho biết các thương hiệu sử dụng giấy tái chế cũng có nhiều PFA như những thương hiệu không sử dụng và có thể không tránh khỏi PFA trong giấy vệ sinh.

Người Mỹ trung bình sử dụng hơn 25kg giấy vệ sinh mỗi năm và hơn 8,6 tỷ kg giấy vệ sinh được xả mỗi năm ở Mỹ. PFA phổ biến đến mức khó xác định chính xác nguồn gốc của chúng, điều này nói lên vấn đề lớn hơn xung quanh việc sử dụng rộng rãi hóa chất.