Phát hiện nhiều sai phạm tại BV Nội tiết TW

Các sai phạm ở TT ĐT&CĐT của Bệnh viện Nội tiết TW đang làm lãng phí quá nhiều tiền của của Nhà nước, mặt khác còn làm cho người bệnh không những không thụ hưởng được các chính sách quan tâm mà còn “đổ bệnh” thêm vì cách làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì này”. Công luận đề nghị Bộ Y tế sớm vào cuộc để giải quyết những sai phạm nói trên.

[links()]Dư luận xã hội thời gian này dành nhiều sự quan tâm đối với ngành Y tế, khi mà ngành này đang bộc lộ quá nhiều nhược điểm trong cả công tác chuyên môn, y đức và cả trong công tác quản lý Nhà nước. Bệnh viện Nội tiết TW cũng đang là một “điểm nóng”, ở đó cũng đang tồn tại nhiều bất cập mà báo chí đã phản ánh nhiều trong thời gian này.

Tốn tiền tỷ để sàng lọc đái tháo đường nhưng vẫn bỏ sót trên năm mươi nghìn người bệnh

Trên bình diện chuyên môn, các chuyên gia y tế đều khẳng định bệnh đái tháo đường thường phát triển âm thầm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, mù lòa, biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, đột quỵ,... Phát hiện sớm người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường để điều trị, phòng bệnh sẽ làm chậm xuất hiện, ngăn chặn biến chứng, giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Tài liệu truyền thông in sai được nhân bản “từ TW đến địa phương
Tài liệu truyền thông in sai được nhân bản “từ TW đến địa phương

Ngay từ năm 2008, báo cáo điều tra của của Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến (TT ĐT&CĐT)- Bệnh viện Nội tiết TW cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở đối tượng bình thường tuổi từ 45 đến 69 là 7,8%, tỷ lệ tiền đái tháo đường ở đối tượng này là 38,9%.  Thấy được sưu nguy hiểm cũng như xác định được tầm quan trọng của hoạt động sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường, hàng năm Nhà nước đã dành ra một khoản ngân sách lớn cho hoạt động này. Riêng năm 2013 ngân sách dành cho hoạt động này gần 13 tỷ đồng.

Trên phương diện chuyên môn, sự bỏ sót người bệnh ấy bộc lộ trên những con số sàng lọc. Một bác sỹ chuyên ngành nội tiết cho chúng tôi biết: “Đem các số liệu trong báo cáo của 42 tỉnh/thành phố trong tổng số 63 tỉnh/thành phố triển khai hoạt động sàng lọc năm 2012, trong số 162.831 đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường được tiến hành sàng lọc, chỉ phát hiện được 5,8% người bị bệnh đái tháo đường, 14,9% người bị tiền đái tháo đường.

Như vậy, nếu đem số người bệnh được phát hiện trong chương trình sàng lọc so với tỷ lệ mắc bệnh chung thì chỉ tính riêng năm 2012, chương trình sàng lọc đã “bỏ sót” ít nhất hơn 3.000 bệnh nhân đái tháo đường và gần 50.000 người tiền đái tháo đường không được chẩn đoán. Con số bệnh nhân bị “bỏ sót” không được chẩn đoán kịp thời còn lớn hơn rất nhiều nếu biết từ 2009 – 2012 TT ĐT&CĐT đã triển khai sàng lọc gần 700.000 người có nguy cơ cao với tỷ lệ bệnh phát hiện liên tục thấp nhưng không hề có có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh”

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong chương trình sàng lọc nói trên? Đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, điều tra để bỏ sót hàng vạn người bệnh? Câu trả lời này chỉ có Bệnh viện Nội tiết TW là “tỏ tường” hơn cả.

Từ đó cho thấy Nhà nước bỏ tiền ra cho người bệnh, nhưng kết quả của việc bỏ hàng đống tiền đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhưng quan trọng hơn hết là quá nhiều người không được chẩn đoán, bị bỏ sót, tưởng mình không bị bệnh, nhưng trên thực tế thì…tử thần đang đến rất gần! Mỗi khi bệnh đái tháo đường biến chứng thì hậu quả nặng nề của nó ai cũng thể biết trước được.

Tiếp tục tốn tiền làm truyền thông nhưng tài liệu in sai và in ra thì…đắp chiếu.

Để tuyên truyền cho chương trình sàng lọc, TT ĐT&CĐT của Bệnh viện Nội tiết TW đã thiết kế và in ấn hàng loạt tờ rơi, tranh tuyên tuyền để cấp phát cho các tỉnh. Căn cứ vào tài liệu này, các tỉnh sẽ in thêm ra nhiều triệu bản để phát cho tuyến cơ sở và cho người dân sử dụng.

Nhưng TT này đã thiết kế nội dung có sai sót về chuyên môn nhưng sai sót này không được sửa để các tỉnh cứ thế nhân bản đi tuyên truyền cho dân. Và một lần nữa tiền tỷ của Nhà nước để in mớ giấy lộn, cán bộ y tế cơ sở, người dân bị tiếp nhận thông tin sai. Cụ thể các tờ rơi đã in nhầm vị trí chỉ số xét nghiệm của “rối loạn đường huyết lúc đói” và “suy giảm dung nạp đường máu”.

Chưa hết, TT này còn “vui tính” đến mức bê toàn bộ hình ảnh của người Trung Quốc lên một tài liệu truyền thông về đái tháo đường rất phản cảm. Trong lúc các hình ảnh để minh họa nó của Việt Nam chắc chắn không thiếu.

Theo một số văn bản PLVN thu thập được, hoạt động truyền thông trong đó có thiết kế, in ấn tài liệu hằng năm với số tiền không hề ít, trong vài năm gần đây số tiền tới hàng tỷ đồng. Nhưng in ấn cẩu thả như vậy, có thứ vẫn để phát đi, có thứ thấy sai thì “đắp chiếu” tại chỗ. Tiền của Nhà nước cũng “chôn” theo vào đó.

Nực cười hơn, tiền in ấn tài liệu rất nhiều, nhưng trong biên bản làm việc với đơn vị thực hiện Dự án phòng chống đái tháo đường, rất nhiều địa phương như đánh giá trong văn bản hẳn hoi, rằng: “Tài liệu truyền thông rất nghèo, không có gì; năm 2012 nhận được 32 quyển phiếu đánh giá, 16 quyển tư vấn dinh dưỡng từ TW” (trích báo cáo của Ninh Bình).

Còn ở Nam Định thì: “Tài liệu truyền thông từ năm 2009 đến nay rất nghèo nàn, đơn vị không có tài liệu truyền thông để tuyên truyền cho người dân.”. Biên bản của nhiều tỉnh thành khác cũng có nội dung tương tự. Vậy không biết tiền tỷ cho in ấn tài liệu truyền thông chảy vào túi của ai?

Các sai phạm nói trên ở TT ĐT&CĐT của Bệnh viện Nội tiết TW đang làm lãng phí quá nhiều tiền của của Nhà nước, mặt khác còn làm cho người bệnh không những không thụ hưởng được các chính sách quan tâm mà còn “đổ bệnh” thêm vì cách làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì này”.

Công luận đề nghị Bộ Y tế sớm vào cuộc để giải quyết những sai phạm nói trên.

PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Bảo Minh

Đọc thêm