Phát huy bài học “Lấy dân làm gốc”

(PLVN) - Đó là nhấn mạnh của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng XIII vừa diễn ra. Theo đó, các đại biểu đề nghị, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh trình bày tham luận tại Đại hội.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh trình bày tham luận tại Đại hội.

Tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII (tái cử Khóa XIII), Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “Lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi. 

Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng đó là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển đất nước.

Trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, đất nước, công tác vận động Nhân dân càng phải chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Nhấn mạnh đến vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc, phát biểu tham luận, Bí thư Trung ương Đảng Khóa XII (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XIII), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. 

Đại biểu Trần Thanh Mẫn trình bày tham luận tại Đại hội.
Đại biểu Trần Thanh Mẫn trình bày tham luận tại Đại hội. 

Thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các thành viên của Mặt trận đã xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến học, khuyến tài, “đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện.

Mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung để các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, trí tuệ và khả năng của mình, góp phần tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước đại dịch Covid-19 và ứng phó với thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu nặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ.

Đề cập tới các bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo ông Trần Thanh Mẫn, đó là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới cho phù hợp với thực tiễn, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. 

Đọc thêm