Phát huy giá trị dân vũ của múa sạp

(PLVN) -Ngày 22/12/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”. Trong danh sách những điệu múa cần được bảo tồn, phát huy giá trị có múa sạp - một trong những điệu múa tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Múa sạp - một trong những điệu múa tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Điệu múa mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no ấm

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, NSƯT Bùi Chí Thanh cho biết: “Hiện nay, chưa có nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nào xác định được múa sạp ra đời từ bao giờ. Trong sinh hoạt của người dân tộc Mường từ thuở xa xưa đã xuất hiện những trò chơi, điệu múa như vậy. Sau đó những điệu múa ấy được lưu truyền qua các thế hệ, phát triển mạnh mẽ, phổ biến rộng khắp.

Sạp được đặt trên một khoảng đất trống, bằng phẳng và cũng đủ chỗ không chỉ cho những người tham gia múa mà còn có chỗ để nhiều người đứng thưởng thức, cổ vũ, hoặc là tham gia nhảy múa nếu có hứng thú.

Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m). Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa. Tốp đập sạp ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp 4/4, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát. Nam thì múa sạp với cung tên, nữ múa sạp với quạt, khăn lụa, khăn thổ cẩm. Tùy thuộc vào từng nơi, từng thói quen canh tác và sinh hoạt mà người dân lựa chọn đạo cụ múa sạp sao cho phù hợp.

Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình uốn lượn quấn quýt, biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn. Người nhảy sạp phải chứng tỏ được sự khéo léo của mình, theo đúng và kịp tiết tấu của người đập sạp. Nhanh quá hoặc chậm quá cũng đều hỏng cả vì chân sẽ đạp vào sạp. Người ta không quy định có bao nhiêu người đập sạp và bao nhiêu người nhảy sạp. Càng đông càng vui, nhất là với những người nhảy sạp.

Cứ thế, hai tốp gõ sạp và nhảy múa thay nhau trong tiếng cồng, tiếng trống nhịp nhàng, sôi động. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người rất hào hứng, say sưa. Múa sạp được nhiều người yêu thích và phát triển rộng ra nhiều dân tộc khác như: Thái, Khơ Mú, Cơ Tu, Lô Lô….

Trong khuôn khổ buổi khai mạc Lễ hội ẩm thực Tây Bắc 2019, màn nhảy sạp có số lượng người tham gia lớn nhất từ trước tới nay đã được thực hiện, với 600 người đập sạp và hơn 10.000 người tham gia nhảy sạp (trong đó có nhiều du khách nước ngoài), xác lập kỷ lục “Số lượng người tham gia nhảy sạp trong một ngày đông nhất Việt Nam”.

Tại các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn… đã, đang có nhiều nghệ nhân hướng dẫn các bạn trẻ múa sạp đúng điệu, đúng bản sắc dân tộc, không bị lai căng, pha tạp.

Nghệ nhân múa sạp Bùi Văn Khẩn (xóm Ải, xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình) gợi mở: “Nét đặc trưng trong múa sạp là hai bên nam nữ trong điệu nhảy phải cân đối. Theo quan niệm của người xưa thì sự cân đối này giống như thái cực âm - dương. Trong đời sống tâm linh của người Mường, âm - dương hài hòa như vậy thì mới được mùa. Với tư duy lưỡng phân lưỡng hợp và tư duy phồn thực của người xưa bao giờ cũng mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no ấm”.

Đẩy mạnh quảng bá giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc

Múa sạp là một trong những điệu múa, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc, là thành phần không thể thiếu, góp phần quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, độc đáo và đa dạng trong sự thống nhất, góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Ngày 22/12/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 3404/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.

Nội dung Đề án nhấn mạnh, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số là các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng dân tộc thiểu số. Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc rất đa dạng, phong phú với nhiều cách phân loại.

Đề án đưa ra nhiều mục tiêu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đẩy mạnh quảng bá giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trong nước và quốc tế; 100% các trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu số về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số để lưu trữ và phát huy, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của di sản góp phần thúc đẩy phát triển du lịch…

Cũng theo Đề án, việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học dân gian… đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như: du lịch, giáo dục, an ninh, thông tin truyền thông, môi trường.