Phát huy nguồn lực văn hóa lễ hội truyền thống bằng công nghệ số

(PLVN) - Mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch dù chưa khép lại nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét, khó phai trong lòng người dân và đông đảo du khách thập phương. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả vào tổ chức và quản lý lễ hội đã trở thành điểm sáng, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại.
Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh kết hợp công nghệ trình chiếu 3D Mapping ấn tượng tại Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. (Ảnh: Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa)

“Làn gió mới” cho lễ hội truyền thống

Là điểm đến du xuân thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều điểm đổi mới nhằm tạo sự thuận tiện tối đa khi hành hương về chốn tâm linh. Nổi bật trong đó là việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò thành vé điện tử thống nhất. Du khách có thể mua vé điện tử trực tuyến, giúp giảm thời gian xếp hàng, hạn chế tình trạng chen lấn.

Một số lễ hội bắt đầu chú trọng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động trình diễn nhằm tạo dấu ấn riêng, mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Tiêu biểu tại Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đây là lần đầu tiên khai hội được tổ chức vào buổi tối với chương trình nghệ thuật bán thực cảnh kết hợp công nghệ trình chiếu 3D Mapping ấn tượng.

Thực tế cho thấy, việc đổi mới và sáng tạo trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống không chỉ mới diễn ra mà đã được đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây. Bắt đầu từ năm 2021, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã triển khai Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đây được coi là một cuộc “tổng kiểm kê” nhằm quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ, lấp khoảng trống tư liệu về một số lễ hội, gây khó khăn cho công tác quản lý trong thời gian qua.

Song song với đó, các lễ hội truyền thống ngày càng bắt nhịp với xu hướng hiện đại khi ứng dụng những thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào việc tổ chức, quản lý cũng như quảng bá giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch. Từ xây dựng website, ứng dụng di động, hệ thống thuyết minh tự động, thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), đến các nội dung sáng tạo trên nền tảng số như Podcast, Vlog…, tất cả đều góp phần giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách, bảo đảm yếu tố an toàn, văn minh và hấp dẫn cho các lễ hội truyền thống.

Cầu nối đưa lễ hội truyền thống đến gần hơn với công chúng

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, TS Trần Thị Ngân Giang - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Công thương Quốc tế cho biết, công nghệ số đang dần trở thành cầu nối trong việc đưa các lễ hội truyền thống đến gần hơn với công chúng. Điển hình như Lễ hội Đền Hùng, nơi công nghệ số được ứng dụng rộng rãi. Hàng năm, Lễ hội Đền Hùng được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình quốc gia và mạng xã hội, giúp cộng đồng người Việt trên thế giới có thể tham gia từ xa và duy trì kết nối với văn hóa truyền thống dân tộc, giúp những người không thể tham dự trực tiếp vẫn có thể theo dõi và hòa mình vào không khí linh thiêng của lễ hội. Ngoài ra, website của Khu di tích lịch sử Đền Hùng đóng vai trò như một cổng thông tin trực tuyến, cung cấp tư liệu chi tiết về văn hóa, lịch sử, quần thể di tích, lễ hội và các hoạt động liên quan.

“Công nghệ số góp phần lan tỏa Lễ hội Đền Hùng, cũng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến với đông đảo công chúng, song cũng mang lại nhiều tiện ích cho những ai hành hương về với mảnh đất cội nguồn của dân tộc. Như vậy, trong tương lai, việc tích hợp công nghệ số vào các khâu tổ chức, quản lý có thể mở ra những hướng phát triển mới, giúp lễ hội truyền thống Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời gìn giữ bản sắc dân tộc trong thời đại số hóa”, TS Trần Thị Ngân Giang nhận định.

Công cụ phát huy nguồn lực văn hóa

Có thể thấy, công nghệ số hiện nay vừa hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức, quản lý, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lễ hội truyền thống. Chính nhờ ứng dụng mạnh mẽ, loại hình di sản văn hóa phi vật thể này đã phát huy tối đa tiềm năng để phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế. Giờ đây, lễ hội truyền thống không đơn thuần là một sự kiện văn hóa mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tuy nhiên, muốn lễ hội truyền thống thực sự trở thành nguồn lực văn hóa, cần duy trì và phát huy những kết quả đạt được. Bởi chỉ khi lễ hội được tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả, giá trị của lễ hội mới được nâng tầm. Một trong những yếu tố then chốt cho “bài toán” này vẫn là công nghệ số. Theo TS Trần Thị Ngân Giang, để phát huy hiệu quả công nghệ số trong việc kết nối dòng chảy quá khứ - hiện tại - tương lai, từ đó khai thác giá trị của lễ hội truyền thống gắn với phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, các lễ hội cần đẩy mạnh số hóa và xây dựng kho dữ liệu di sản số; ứng dụng VR/AR tái hiện văn hóa truyền thống; tăng cường truyền thông số và nội dung sáng tạo trên mạng xã hội; phát triển ứng dụng di động thông minh và cá nhân hóa trải nghiệm du khách; kết hợp công nghệ với các hoạt động trải nghiệm thực tế trong lễ hội.

Muốn làm được điều đó, chắc chắn cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia văn hóa và cả cộng đồng. Chính sự vào cuộc tích cực này sẽ giúp các lễ hội truyền thống vốn đã gắn liền với đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ, trở nên hiện đại, hấp dẫn mà vẫn giữ vững bản sắc truyền thống dân tộc.

Đọc thêm