Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa để văn hóa có thể trở thành “tấm danh thiếp” về đất nước, con người Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản vận động người dân mặc áo dài trong tuần lễ diễn ra Liên hoan phim.
Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản vận động người dân mặc áo dài trong tuần lễ diễn ra Liên hoan phim.

Nhìn từ câu chuyện tà áo dài

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 18 -20/11. Để chào mừng Liên hoan phim cũng như nhằm quảng bá và lan tỏa nét đẹp của áo dài truyền thống, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản vận động người dân mặc áo dài trong tuần lễ diễn ra Liên hoan phim.

Không chỉ thế, việc vận động người dân mặc áo dài cũng nhằm tăng cường quảng bá áo dài truyền thống Huế, tạo sự hưởng ứng tích cực trong cộng đồng, qua đó góp phần thực hiện thành công Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, hướng tới xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như phim “Lều chõng”, “Long Thành cầm giả ca”, “Áo lụa Hà Đông”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Lý áo dài”... đã tạo ra những “cơn sốt” trên thị trường phim ảnh, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc.

Có thể nói, trên một góc độ nào đó, chính điện ảnh đã đưa áo dài Việt đến với cả thế giới và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp về bộ quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Và ở chiều ngược lại, áo dài đã làm cho điện ảnh thêm mềm mại, quyến rũ và mang đậm bản sắc độc đáo, riêng có.

Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Cả điện ảnh và áo dài đều đáp ứng rất tốt cho mục tiêu này.

Cố đô Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn. Sau đổi mới, TP Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Từ năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong cộng đồng...

Thừa Thiên - Huế cũng là địa phương đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc Huế. Các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa là những ngành trọng tâm.

Áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa nên đặc biệt được xem trọng.

Biến tài nguyên văn hóa thành sức mạnh

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định cần phải “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

Chủ trương này đã được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch quán triệt thực hiện nhằm chuyển hóa hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của đất nước, từ đó phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Qua câu chuyện về tà áo dài ở TP Huế, có thể thấy hoạt động của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang từng bước hình thành cơ chế chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Nhờ sự phối hợp của các kênh chuyển hóa, truyền dẫn như truyền thông, internet..., các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, cũng như di sản thiên nhiên đã trở thành sức hấp dẫn, thu hút, góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Nhờ có nguồn tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú nên ngành du lịch có nhiều tiềm năng trong thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. Trên thực tế, đây là một trong những lý do hàng đầu hấp dẫn du khách quốc tế đến với Việt Nam.

8 trụ cột tài nguyên văn hóa

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xác định 8 trụ cột tài nguyên văn hóa có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa tương thích với tiêu chí chung của thế giới. Đó là các di sản thiên nhiên thế giới, danh lam thắng cảnh, vườn quốc gia; các di sản văn hóa vật thể nằm trong hệ thống khảo sát Soft power 30 (danh sách xếp hạng 30 quốc gia đứng đầu về sức mạnh mềm); các di sản văn hóa phi vật thể nằm trong hệ thống khảo sát Soft power 30; các danh nhân và giá trị văn hóa; nguồn nhân lực và các sản phẩm văn hóa; cơ sở hạ tầng và không gian văn hóa; các lễ hội mới, sự kiện văn hóa; tổ chức văn hóa, cộng đồng sáng tạo văn hóa (cộng đồng văn hóa cơ sở).

Đọc thêm