Phát huy tính chủ động của pháp chế doanh nghiệp trong đề xuất chính sách pháp luật

(PLVN) - Sáng 7/1, Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp, cá nhân là Hội viên CLB. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2019 - 2024), CLB pháp chế doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động với nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của nền kinh tế đất nước. Công tác chăm sóc, phát triển hội viên được chú trọng; tạo sự gắn bó chặt chẽ, thường xuyên giữa Hội viên và CLB.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Trong nhiệm kỳ qua, CLB tiếp tục phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực cung cấp ý kiến pháp lý cho hội viên. Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc CLB – đơn vị nòng cốt triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật đã thu hút được sự tham gia của các Luật gia, luật sư, chuyên gia pháp luật có nhiều kinh nghiệm và thực hiện cung cấp ý kiến pháp lý bằng văn bản cho một số hội viên.

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ tịch CLB pháp chế doanh nghiệp phát biểu.

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ tịch CLB pháp chế doanh nghiệp phát biểu.

CLB đã phối hợp với các doanh nghiệp hội viên tổ chức nhiều Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ theo chuyên đề cho từng đối tượng cụ thể, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp. Nội dung chuyên đề bồi dưỡng của CLB được các doanh nghiệp đánh giá là cần thiết, mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật để áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng và thực thi pháp luật, CLB đã tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành soạn thảo như: Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Đầu tư, Luật Đất đai...Qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh Đại hội.

Toàn cảnh Đại hội.

Trong nhiệm kỳ 2025 – 2030, CLB đặt mục tiêu xây dựng CLB vững mạnh về tổ chức và hoạt động; phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy về pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, CLB sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: củng cố, kiện toàn Ban Chủ nhiệm và bộ máy hoạt động của CLB; tăng cường tính tự chủ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động CLB; đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, tạo điều kiện để hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh…

Tiếp đó, các đại biểu đã trình bày các tham luận về giải pháp tăng cường phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho hội viên; báo cáo và xin ý kiến về việc đổi tên CLB Pháp chế Doanh nghiệp thành Hiệp hội Pháp chế Doanh nghiệp Việt Nam.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 27 thành viên; Ban thường vụ gồm 9 người, trong đó Chủ tịch là ông Nguyễn Duy Lãm, các Phó Chủ tịch là bà Ngô Quỳnh Hoa, ông Dương Đăng Huệ, ông Tô Hoài Nam, ông Thân Đức Việt, ông Nguyễn Hữu Thập.

Nhiều dư địa để doanh nghiệp phát triển

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định sau 25 năm thành lập và hoạt động, CLB đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, đón nhận những “hơi thở” và kịp thời tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp.

CLB còn là diễn đàn của các cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp, thể hiện tiếng nói của giới luật sư đối với công tác pháp chế, phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. CLB là chỗ dựa pháp lý tin cậy cho doanh nghiệp thành viên khi gặp phải vướng mắc, rủi ro, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

“CLB là cầu nối tham gia triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các thành viên luôn tâm huyết và tham gia tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện thể chế. Đây là những đóng góp lớn của CLB với sự phát triển kinh tế nói chung, với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo.

Bước sang giai đoạn mới, nhiệm kỳ mới, mô hình mới gắn với những định hướng, đổi mới tổ chức hoạt động, Thứ trưởng đề nghị CLB nhận thức đầy đủ những thuận lợi và thách thức để có lãnh đạo, chỉ đạo, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng, CLB có nhiều thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới nhờ môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện theo định hướng của Đảng, Nhà nước, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực, pháp luật bảo đảm rõ ràng, kịp thời. Cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ quan tâm chỉ đạo gắn với chuyển đổi số, từ trực tiếp sang trực tuyến trên môi trường điện tử. Tinh thần thượng tôn pháp luật, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm theo Nghị quyết số 27. Cải cách bộ máy, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong kỷ nguyên mới cũng tạo ra nhiều dư địa phát triển cho doanh nghiệp, vai trò của thực thi pháp luật trong doanh nghiệp càng phong phú.

Thứ trưởng đề nghị CLB tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ để tổ chức tốt nhất các hoạt động, đóng góp tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp thông qua Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phát huy vai trò tiếp nhận hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên. Phối hợp chặt chẽ với các Hội doanh nghiệp khác để hỗ trợ, bảo trợ cho thành viên CLB. Nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm pháp chế doanh nghiệp, nhất là những vấn đề thường gặp phải trong đời sống pháp lý doanh nghiệp, vấn đề pháp luật quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành CLB Pháp chế doanh nghiệp nhiệm kỳ 2025-2030.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành CLB Pháp chế doanh nghiệp nhiệm kỳ 2025-2030.

Cùng với đó, CLB cần phát huy tính chủ động trong việc đề xuất chính sách pháp luật, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; kịp thời tập hợp các phản ánh của thành viên CLB để phối hợp với các cơ quan, hiệp hội khác tổ chức diễn đàn, hội thảo; kiến nghị bộ, ngành, tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế.

Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ Tư pháp luôn ủng hộ CLB và đề nghị CLB chủ động đề xuất các hoạt động, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ đồng thời các đơn vị thuộc Bộ cũng phát huy sự kịp thời, trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động của CLB.

Một số hình ảnh đại biểu:

PGS.TS Dương Đăng Huệ báo cáo và xin ý kiến về việc đổi tên CLB Pháp chế Doanh nghiệp thành Hiệp hội Pháp chế Doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang trình bày tham luận.

Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại đại hội.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trình bày tham luận.

Ông Đinh Việt Thanh, Trưởng Ban pháp chế, Tổng Công ty May10 trình bày tham luận.

Đọc thêm