Phát huy truyền thống, viết tiếp chiến công ở Sư đoàn 316 Anh hùng - Bài cuối: Hiệu quả từ việc gắn rèn luyện kỷ luật với phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLVN) - Nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), những năm gần đây, Sư đoàn 316 (F316) đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, Sư đoàn vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.
Thượng tá Phạm Hồng Dự giới thiệu về mô hình PBGDPL của đơn vị.
Thượng tá Phạm Hồng Dự giới thiệu về mô hình PBGDPL của đơn vị.

Đa dạng các hoạt động PBGDPL

Để đạt hiệu quả công tác PBGDPL, F316 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, hướng trọng tâm, trọng điểm vào giải quyết những khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề mới, khó. Định kỳ đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời bổ sung nội dung, biện pháp phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ và nhận thức bộ đội.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng nòng cốt với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, F316 thường xuyên kiện toàn, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm Hội đồng Phối hợp PBGDPL; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Sư đoàn thực hiện có hiệu quả các đề án, quy chế, kế hoạch, chương trình giáo dục chính trị, tuyên truyền, PBGDPL hàng năm cho các đối tượng với nhiều hình thức và cách làm mới, sáng tạo như: Mô hình “5 phút lắng đọng”, “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi tuần học tập một phương pháp xử trí một tình huống tư tưởng”…

Trong công tác quản lý bộ đội, Sư đoàn yêu cầu cán bộ các cấp phải nắm chắc hồ sơ, lý lịch, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ của quân nhân, nhất là những đồng chí công tác tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với những quân nhân gặp khó khăn trong cuộc sống để thấu hiểu tâm tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Với chiến sĩ mới, khi tiếp nhận, ngoài việc phối hợp cùng địa phương lựa chọn, nắm chắc hồ sơ, lý lịch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp còn chú ý nắm trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và sức khỏe, các mối quan hệ qua nhận xét, đánh giá của gia đình, địa phương với đối chiếu “phiếu tự thuật” và Hồ sơ thông tin chiến sĩ để quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm kỷ luật và tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị, xử lý dứt điểm vi phạm, không bao che, giấu giếm.

Kết quả, kiểm tra nhận thức chính trị 100% đạt yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi đạt 85,6%; 100% cán bộ, chiến sĩ (CBCS) luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, trách nhiệm trong công tác, không có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”…

Thượng tá Phạm Hồng Dự, Chủ nhiệm Chính trị F316 cho biết, là đơn vị có trên 60% CBCS là người dân tộc thiểu số, tập quán văn hóa và nhận thức không đồng đều, nên Sư đoàn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức lên lớp trực tiếp để phổ biến, giáo dục các chuyên đề. Đối với các chuyên đề PBGDPL cho chiến sĩ mới, Sư đoàn mời báo cáo viên là cán bộ của Viện kiểm sát, Tòa án khu vực II Quân khu 2 giới thiệu.

Với các văn bản pháp luật mới ban hành, thông báo tình hình chấp hành kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn giao thông... các cơ quan, đơn vị kết hợp quán triệt trong các buổi thông báo chính trị - thời sự và trong sinh hoạt thường xuyên.

Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ; thông qua các buổi tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu pháp luật... duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động tủ sách, ngăn sách pháp luật và các thiết chế văn hóa; nâng cao hiệu quả Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở, Ngày Pháp luật và thông qua các buổi giao lưu văn hóa, tổ chức tốt các mô hình: “Năm phút lắng đọng”, “Khu vườn lịch sử”, “Câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp các dân tộc Tây Bắc”…

Sư đoàn luôn kết hợp chặt chẽ việc giáo dục chấp hành kỷ luật với Phong trào Thi đua Quyết thắng, Quy chế Dân chủ cơ sở và các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”; “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”.

Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền pháp luật trong Nhân dân vào các dịp lễ, hội, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, dân tộc và qua các đợt huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận, góp phần xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, vững mạnh.

Sư đoàn nhiều năm không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng

Chiến sĩ F316 đọc sách pháp luật để tham gia các cuộc thi của đơn vị. (Ảnh trong bài: Lam Hạnh)

Chiến sĩ F316 đọc sách pháp luật để tham gia các cuộc thi của đơn vị. (Ảnh trong bài: Lam Hạnh)

Theo Thượng tá Lâm Dũng Tiến, Phó Chính ủy F316, để công tác PBGDPL đạt kết quả thực chất, bền vững, tạo hiệu ứng tích cực, Sư đoàn 316 đã gắn công tác này với quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy.

Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ chính quy, quản lý kỷ luật, thực hiện làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, động viên bộ đội thông qua các mô hình: “Ba đồng hành, một mục tiêu” (Ba đồng hành là: Trong chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cùng nhau khắc phục khó khăn; trong học tập nâng cao bản lĩnh, trình độ, kiến thức và khả năng thực hiện nhiệm vụ; trong nâng cao sức khỏe, thể chất và đời sống văn hóa tinh thần. Một mục tiêu là: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); “Cán bộ ba cùng, hai trước, hai sau” (Ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Hai trước: Dậy trước, làm trước. Hai sau: Ngủ sau, về sau).

Các đơn vị trong Sư đoàn luôn chủ động nắm và quản lý tốt tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của CBCS thông qua hồ sơ quân nhân, hồ sơ thông tin chiến sĩ, phiếu khảo sát tư tưởng… để có biện pháp giải quyết, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật từ sớm, từ xa, nhất là những thời điểm: Đón nhận chiến sĩ mới; chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ; sau mỗi giai đoạn huấn luyện; cán bộ sau khi bổ nhiệm, điều động… Làm tốt việc phân nhóm chiến sĩ trong quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, động viên thông qua các mô hình, cách làm hay như: “Gửi thư của Đảng ủy Sư đoàn về cho gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ nghỉ phép”...

Bằng nhiều hình thức, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với gia đình chiến sĩ để phối hợp quản lý, giáo dục, động viên bộ đội. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn, không để các tệ nạn xã hội, như: Lô đề, cờ bạc, ma túy, vay lãi nặng vào đơn vị; gắn xây dựng đơn vị an toàn với địa bàn an toàn.

Để thực hiện thống nhất, các đơn vị đã đề ra quy định cụ thể, phù hợp yêu cầu rèn luyện bộ đội, duy trì nền nếp, chế độ chính quy; nghiêm cấm mọi sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp uống rượu, bia say ở mọi lúc, mọi nơi và không uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ hành chính.

Vì vậy, những năm qua, F316 không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, các vi phạm thông thường đều được xử lý, giải quyết phù hợp, Sư đoàn an toàn tuyệt đối về mọi mặt, góp phần tạo cơ sở, nền tảng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi năm, các đơn vị của F316 có 10 tháng huấn luyện, 2 tháng làm công tác dân vận, chia làm 2 đợt. Bộ đội đến những địa bàn khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, cùng dân làm đường, trường, trạm, giúp địa phương xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Tại nơi đến, CBCS vừa làm công tác dân vận, vừa tổ chức các buổi tuyên truyền PBGDPL, tuyên truyền giúp bà con xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu.

Một ví dụ, khi CBCS F316 làm công tác dân vận ở xã Yên Lâm (trước là xã Yên Hương), huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, 3 ngày đầu bà con theo đạo trái phép không tiếp xúc bộ đội.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, CBCS Sư đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân; kiên quyết đấu tranh với các đối tượng có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn… giúp dân làm đường, tu sửa trường học, phát triển kinh tế...

Mắt thấy, tai nghe những gì bộ đội làm, khi kết thúc đợt dân vận, đại đa số đồng bào đã từng bước hòa nhập với cộng đồng nơi mình sinh sống.

Một ví dụ khác, tại Na Hang (Tuyên Quang), nhiều đời nay, bà con nhốt trâu, bò dưới gầm nhà sàn, gây mất vệ sinh. Tham gia giúp bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bộ đội làm chuồng trâu riêng, bà con học làm theo. Kết quả, đến nay không còn hộ nào sinh hoạt ở trên, nhốt trâu, bò ở dưới...

Đọc thêm