Ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngày 04/8/2017 có bài “Hiểm họa từ bát, đĩa rửa công nghiệp” để phản ánh việc cơ sở rửa bát, đĩa bằng phương pháp công nghiệp Việt Green (phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) hoạt động không phép, không đảm bảo vệ sinh, xả thải gây ô nhiễm môi trường…, UBND quận Long Biên đã tiến hành kiểm tra, đồng thời ra quyết định xử phạt và tạm đình chỉ cơ sở này.
Mới đây, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục mục sở thị một cơ sở tương tự, nằm tại số 300, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Quy mô của cơ sở này có phần lớn hơn.
|
Công đoạn tráng bát và dụng cụ đựng bát đũa được sử dụng bằng nước giếng. (Ảnh cắt từ clip) |
Rất khó để tìm được địa chỉ của xưởng rửa bát, đĩa này bởi mọi hoạt động của xưởng được thực hiện khép kín bên trong một khu nhà mái tôn, diện tích khoảng 200 m2 nằm sát mép sông Nhuệ, bên ngoài không treo biển hiệu.
Bên trong khu nhà xưởng chật hẹp, ẩm mốc, đồ đạc, hàng hóa được sắp xếp không theo hàng lối, trông hết sức bừa bộn, phản cảm. Ngay cạnh cửa ra vào là hàng chồng bát, đĩa bẩn được bày la liệt trên nền nhà nhầy nhụa đầy rác rưởi, rất mất vệ sinh. Một bồn nước inox sủi bọt đục ngầu, váng bẩn ngâm bên trong đầy bát, đĩa. Tiếng động cơ cùng tiếng va chạm của bát, đĩa tạo nên âm thanh và cảm giác rất khó chịu khi đứng gần.
|
Nước rửa được đựng trong những can 50 lít. |
Bát, đĩa ở đây được rửa theo phương pháp công nghiệp, một số công đoạn được các công nhân thực hiện bằng tay, còn đâu được vận hành theo băng chuyền qua các công đoạn như: ngâm trong bể sục, tráng nước nóng, sấy khô, đóng gói v.v. Theo quan sát của phóng viên, có công đoạn, bát, đĩa được ngâm trong nước giếng khoan không hề được xử lý, màu nước đen ngòm. Dầu rửa bát sử dụng loại được chứa trong những thùng to, không nhãn mác.
Đặc biệt, rác rưởi cùng nước thải từ xưởng này được xả thẳng ra hệ thống cống, đổ ra sông Nhuệ mà không hề qua hệ thống xử lý nước thải.
|
Cống thải được nối trực tiếp ra bờ sông Nhuệ mà không hề qua công đoạn xử lý nào. |
Nhân viên quản lý ở đây cho biết, một ngày cơ sở này rửa và cung cấp ra cho hệ thống quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố khoảng 5000 bộ bát, đĩa. Thế nhưng, với những hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được ở trên thì liệu có thể tin tưởng những bộ bát đĩa được đóng gói trông rất bắt mắt mà cơ sở này cung cấp ra cho thị trường có đảm bảo an toàn, vệ sinh như những lời quảng cáo mỹ miều được in bên ngoài?
Được biết, dây chuyền rửa bát nói trên được nhập từ Trung Quốc và đã vận hành được một thời gian.
Việc cơ sở rửa bát hoạt động không phép này cùng nhiều cơ sở tương tự đóng trên địa bàn dọc sông Nhuệ xả thải trực tiếp ra môi trường phần nào lý giải nguyên nhân màu nước của dòng sông này bị đổi màu, bốc mùi hôi thối và đang dần trở thành dòng sông “chết”.
Nội dung trên xin được gửi tới UBND quận Nam Từ Liêm cùng các cơ quan chức năng.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin sự việc.