Hiểm họa từ bát, đĩa rửa công nghiệp

(PLO) - Hàng loạt bộ bát, đĩa được cơ sở sản xuất tẩy rửa nửa thủ công, nửa công nghiệp trong môi trường mất vệ sinh nhưng được "phù phép" thành những sản phẩm đã được tiệt trùng 100%...
Hiểm họa từ bát, đĩa rửa công nghiệp

Hiện nay, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, tiệc cưới... trên địa bàn TP. Hà Nội sử dụng bộ bát, đĩa đóng gói để phục vụ thực khách. Việc sử dụng bát, đĩa được rửa công nghiệp và đóng gói thành bộ trên thực tế mang nhiều ưu điểm.

Với mức giá chỉ từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng cho một bộ sản phẩm, tùy cấu thành bên trong, chủ các nhà hàng, quán ăn không phải mua bát, đĩa ... mà chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí khá hợp lý, trong khi cửa hàng không tốn diện tích và không phải trả lương cho nhân viên thực hiện công việc này. Việc sử dụng bộ bát, đĩa đóng gói sẵn cũng giúp cho thao tác của nhân viên phục vụ được đơn giản, nhanh gọn và đặc biệt là đem lại cảm giác hài lòng, tin tưởng cho khách hàng về khâu vệ sinh của nhà hàng.

Tuy nhiên, các cơ sở rửa bát, đĩa và đóng gói bằng phương pháp công nghiệp nói trên vẫn chưa được các cơ quan chức năng: Chi cục ATVSTP, Chi cục QLTT, chính quyền sở tại v.v. kiểm tra, giám sát tốt nên có những cơ sở không đảm bảo các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, về vệ sinh công nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường mà không hề bị xử lý.

Cơ sở sản xuất bát được công ty cho là tiệt trùng 100%.
Cơ sở sản xuất bát được công ty cho là tiệt trùng 100%.

Công ty CP Thương mại kỹ nghệ Việt Green, địa chỉ tại phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội do ông Hoàng Hợp là người đại diện pháp luật. Theo giấy phép hành nghề thì công ty này không hề có chức năng nhưng lại đang vận hành một cơ sở rửa bát, đĩa bằng phương pháp công nghiệp nằm trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Mỗi ngày công ty này cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và TP. Hà Nội hàng nghìn bộ bát, đĩa đóng gói.

Tại một nhà hàng ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, sau khi mở một bộ bát, đĩa có in logo của công ty với lời quảng cáo: “Sản phẩm tiệt trùng trên dây chuyền công nghiệp dùng sóng siêu âm và áp lực nước nóng. Hấp sấy bằng tia hồng ngoại nhiệt độ cao và đóng gói trong môi trường cách ly. Sản phẩm vì an toàn sức khỏe - chuẩn mực mới của cuộc sống hiện đại”.

Kèm theo đó là những biểu tượng, chứng nhận về chất lượng.... Chỉ ngửi qua chiếc bát, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam cũng đã dễ dàng cảm nhận được mùi tanh đặc trưng của chất tẩy rửa còn đọng lại. Phải chăng, dòng quảng cáo mỹ miều cùng với vẻ ngoài bắt mắt của bộ bát, đĩa đóng gói được bày rất đẹp mắt trên những bàn ăn kia đã đánh lừa hàng nghìn thực khách mà không mấy người để ý đến mức độ sạch - bẩn của những chiếc bát họ đang cầm trên tay?

Không mấy khó khăn để nhóm phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tìm ra địa chỉ và mục kích cơ sở rửa bát, đĩa của công ty này.

Trái ngược với tưởng tượng ban đầu của nhóm phóng viên bởi lời quảng cáo, dây chuyền rửa bát, đĩa của công ty Việt Green được đặt trong một nhà xưởng cấp 4 lợp mái tôn nằm ngoài đê sông Đuống, thuộc địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên. 

Những sản phẩm thế này được công ty chứng nhận đạt ISO 22000.
Những sản phẩm thế này được công ty chứng nhận đạt ISO 22000.

Bên vệ đường đê, phía ngoài xưởng là những chiếc thùng nhựa dùng để vận chuyển bát, đĩa được xếp chỏng chơ, bụi bặm. Bên trong khu nhà xưởng chật chội, trên nền gạch nhầy nhụa, vương vãi rác rưởi, bát, đĩa bẩn được sục rửa trong một chiếc bồn thép, ngập trong một thứ nước có màu lờ lờ trắng, đục ngầu.

Theo quan sát của phóng viên thì nguồn nước ở đây được lấy từ giếng khoan (căn cứ vào màu vàng khè của bức tường nhà vệ sinh). Nguồn nước thải cũng được xả thẳng ra hệ thống cống công cộng, không hề qua hệ thống xử lý nước thải.  Dây chuyền rửa, sấy và đóng gói bát, đĩa ở đây được vận hành theo hình thức nửa thủ công, nửa công nghiệp, những công nhân ở đây cho biết, sau khi đóng gói, thành phẩm được giao thẳng cho các nhà hàng, quán ăn.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hợp - Giám đốc công ty Việt Green cho biết, sản phẩm bát đóng gói của công ty ông được cung cấp cho các nơi trên địa bàn Hà Nội. Để khẳng định uy tín, ông Hợp nói rằng, trong lĩnh vực bát đóng gói, cơ sở của ông là trường hợp đặc biệt, duy nhất tồn tại và hoạt động xấp xỉ 10 năm nay…

Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy phép được các cơ quan chức năng cấp cho cơ sở thì ông Hợp thừa nhận: “Cục ATVSTP, Viện vệ sinh dịch tễ đều không có căn cứ nào để cấp cho mô hình này vì ở Việt Nam chưa hề tồn tại loại hình dịch vụ này”. Ông Hợp còn khoe cơ sở của ông có cả chứng chỉ ISO của Châu Âu cấp (?!)

Những hình ảnh mà phóng viên ghi được tại cơ sở bát đóng gói Việt Green là lời cảnh báo về chất lượng và độ an toàn của những chiếc bát, đĩa được rửa theo phương pháp công nghiệp, đang được sử dụng rộng rãi trong các nhà hàng, quán ăn, tiệc cưới...

Các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại cần kiểm tra thường xuyên, quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở nói trên nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.

Đọc thêm