Doanh nghiệp vẫn phớt lờ quy định
Theo báo Quảng Nam, số liệu thống kê của tỉnh năm 2018 cho biết, trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm có 42 tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy, với số lượng phương tiện hiện có là 138, sức chở 3.719 ghế.
UBND tỉnh đánh giá, hầu hết các phương tiện đường thủy đang hoạt động có công suất thấp, đã qua thời gian sử dụng và bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động vận chuyển khách.
Do vậy, khoảng cuối năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm; trong đó có đề ra các giải pháp về niên hạn sử dụng, cấp đăng kiểm, nâng chất lượng phương tiện; đề ra lộ trình thay thế, cải hoán phương tiện hoạt động vùng sông pha biển; đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư bến, tuyến vận tải, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và tăng cường công tác quản lý.
Song, dù đã có định hướng rõ ràng của chính quyền địa phương là vậy, một số doanh nghiệp vận tải đường thủy dường như vẫn cố tình làm ngơ, vì lợi nhuận mà bất chấp.
Về vụ việc tàu cao tốc của Công ty TNHH MTV Ngân Hà (Công ty Ngân Hà) chở vượt quá số người quy định, du khách phản ánh trong quá trình đi lại, lái tàu đã “phớt lờ” các quy định, quy tắc đảm bảo an toàn như trang bị phao cứu hộ sơ sài, những người được “nhét” thêm hầu như không có áo cứu hộ, trong đó có nhiều người già, trẻ em.
Với một con thuyền chỉ từ 20 – 25 chỗ, lái tàu vẫn ép thêm khách ngồi lên, chen chúc nhau. Còn đối với trẻ em, vì giá vé chỉ bằng 30-50% người lớn, nên không có chỗ ngồi riêng, phải ngồi ghế phụ, ngồi lên đùi bố mẹ.
Khi tàu chạy nhanh rung lắc, làm nhiều hành khách bị ướt, hoặc nôn ói, thì chủ tàu lại quát mắng, chửi bới, tỏ thái độ coi thường hành khách. Chưa bàn đến những vấn đề khác, chỉ nói riêng đến văn hóa ứng xử và văn hóa trong kinh doanh thì hành vi, thái độ trên là không thể chấp nhận được.
Thật đáng lo ngại khi kinh doanh lạ đời kiểu này lại rất “thịnh hành”. Cứ vào dịp cao điểm, các công ty cung cấp dịch vụ vận tải “thích thì tăng” giá dịch vụ, chất lượng phục vụ thì không tăng, mà cũng không cần biết có đảm bảo an ninh an toàn hay không; nhiều trường hợp chỉ khi bị phản ánh gay gắt hoặc xử phạt mới lên xin lỗi vài câu cho qua chuyện.
Ấy thế, không ít chủ dịch vụ còn cho rằng, lượng hành khách quá tải, dịch vụ đi xuống trong dịp lễ lại là chuyện bình thường, không thể tránh khỏi, du khách đi nhiều rồi cũng thành quen những chuyến đi hành xác kiểu này mà thôi (?!).
Đâu rồi văn hóa tôn trọng pháp luật?
Thiết nghĩ, quyết định xử phạt Công ty Ngân Hà hơn 33 triệu đồng vì có tàu cao tốc chở quá số người quy định từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền trong dịp Tết đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch khác trong khu vực.
Nhưng qua sự việc trên, một câu hỏi khác cũng đồng thời được đặt ra, đó chính là công tác giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho các doanh nghiệp vận tải du lịch trong khu vực đã thực sự đạt hiệu quả?
Trong các phương án nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm, chính quyền địa phương đề ra phải kiên quyết không cho xuất bến đối với phương tiện vận tải đường thủy chở quá số người quy định, không cung cấp đầy đủ áo phao hợp vệ sinh cho hành khách; đình chỉ hoạt động các phương tiện hết hạn kiểm định, không đăng ký, không trang bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện cứu hộ...
Vậy, tại sao nhiều trường hợp tàu thuyền vi phạm, nhồi gần gấp đôi khách mà vẫn ngang nhiên vi vu trên biển; phần lớn chỉ khi du khách phản ánh lại, lực lượng chức năng mới vào cuộc? Thiết nghĩ, hiện tượng trên rất phổ biến, các cơ quan chức năng cần sát sao hơn, tổ chức những cuộc kiểm tra, rà soát thường xuyên để ngăn chặn những vi phạm trước khi xảy ra.
Mặt khác, xu thế phát triển của xã hội hiện nay đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải kịp thời trang bị cho mình những kiến thức nhất định về pháp luật; đồng thời giáo dục, tuyên truyền cho những cá nhân, tổ chức khác và trong chính nội bộ của tổ chức về ý thức tôn trọng pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Chưa kể đến việc giảm thiểu được những rủi ro hàng ngày trong kinh doanh, các cơ quan chức năng dễ bề phối hợp khi biến cố phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả của ngành du lịch nói chung; việc này còn bồi đắp lòng tự trọng, tính trung thực, lối sống kỷ luật, nếp nghĩ và ứng xử văn minh, phù hợp với đạo đức và các quy tắc trong xã hội của mỗi cá nhân.
Đáng suy nghĩ, nếu so lượng khách đi du lịch của Việt Nam trong phạm vi châu Á, có những nước vẫn đón gấp hai, gấp ba lần như Singapore, Thái Lan, Malaysia,… mà vẫn làm đủ, làm tốt công tác an ninh an toàn, phục vụ thân thiện, được du khách quốc tế đánh giá cao hơn chúng ta trên bản đồ du lịch thế giới.
Đặc biệt ở Thái Lan, bí quyết chinh phục du khách được Chính phủ nước này quy định và đảm bảo, nằm ở chính người dân, “mỗi người dân là một đại sứ du lịch và mang đến nụ cười hài lòng cho du khách”. Vậy, Việt Nam khi được xướng tên là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới đã thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng đó hay chưa?