Phát sốt vì... giá tăng

Trước “đòn” giá điện tăng thêm 5%, gas tăng 52.000 đồng /bình 12 kg, xăng tăng 900 đồng/lít..., các bà nội trợ phát "sốt" với sự nhảy vọt của giá rau, thịt cá.

Trước “đòn” giá điện tăng thêm 5%, gas tăng 52.000 đồng /bình 12 kg, xăng tăng 900 đồng/lít..., các bà nội trợ phát "sốt" với sự nhảy vọt của giá rau, thịt cá.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá các loại thực phẩm tươi sống tại một số chợ Hà Nội bắt đầu tăng từ hai ngày nay, dao động tăng tới 10.000 đồng. Thịt lợn ba chỉ, mông hiện phổ biến khoảng 90.000  – 100.000 đồng/kg, thịt thăn lên 130 – 140.000  đồng/kg; Các loại hải sản tăng giá mạnh hơn từ 10 - 20.000 đồng/kg, tôm có giá 140-150.000 đồng/kg, cá rô phi 50-60.000 đồng/kg, cá quả 100.000  – 110.000  đồng/kg; rau xanh tăng vọt, cải xanh có giá 8.000 đồng/mớ, mùng tơi, rau muống 5.000 đồng/mớ, bắp cải 15.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/ kg, măng tươi 30.000 đồng/kg ... 

Chị Hương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Hàng bán chậm hơn mọi ngày và mọi người kêu quá, nhưng chúng tôi phải lấy hàng giá cao thì không thể bán rẻ như trước được”.

Thông tin từ TP HCM, giá các loại thực phẩm tươi sống và rau củ thay đổi đến chóng mặt, tôm đồng có giá từ 90.000 đồng lên mức 100.000 đồng/kg, cá điêu hồng dao động 45.000-50.000 đồng/kg; hàng loạt tiểu thương đều thông báo giá các loại bí xanh, khoai tây, bắp cải đã tăng từ 1.000-3.000 đồng so với vài ngày trước...

Chưa “nhanh chân” bằng các mặt hàng thực phẩm, nhưng các doanh nghiệp taxi, xe khách cũng nghe ngóng và ngấp nghé của việc muốn tăng giá. Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết, phải theo dõi thêm diễn biến xăng dầu trong thời gian tới rồi mới quyết định tăng giá cước. Tuy nhiên, dù giá xăng tăng hay giảm, doanh nghiệp đều sợ bởi mỗi lần muốn điều chỉnh giá cước taxi, doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và chi phí.

Với việc tăng giá liên tiếp của ba mặt hàng thiết yếu, tổng giám đốc một doanh nghiệp than thở: “Tăng giá cặp ba kiểu này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa để thiêu cho rụi luôn những DN đang khó khăn. Những DN lớn, có mối quan hệ có sức nặng với các ngân hàng thì vẫn có thể sống sót nhưng DN nhỏ và vừa thì đợt này chết hẳn, hết đường cầm cự!”

Bình luận về việc hễ giá xăng dầu tăng là các mặt hàng khác đồng loạt tăng theo, các chuyên gia kinh tế cho rằng xăng dầu có ảnh hưởng mạnh cả trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát ở Việt Nam, vì đều là “yếu tố đầu vào” của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội.

Các động thái từ giá xăng dầu sẽ có ảnh hưởng trước hết và trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, hoạt động kinh tế có liên quan đến tiêu thụ xăng dầu. Trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa, dịch vụ “sản phẩm đầu ra” xã hội.

Các chiêu tung tin đồn thất thiệt và đầu cơ nhân "cơ hội" giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá cả hàng tiêu dùng.

Lo ngại hiện hữu là với sự tăng giá dồn dập của điện, gas và xăng dầu lần này sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền tới các hàng hóa khác, thậm chí, đây là cái cớ để “nhiều kẻ” té nước theo mưa, đẩy giá các mặt hàng lên cao, theo đó, người dân sẽ dè sẻn chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, liệu mục tiêu kích cầu tiêu dùng, “giải phóng” hàng tồn kho, có đạt được như kỳ vọng?.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước trong 7 tháng đầu năm 2012 ước 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,74% so cùng kỳ năm 2011.

Riêng trong tháng 7/2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 189,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,12% so tháng 6. Lĩnh vực thương nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ cả nước trong tháng 7 với gần 145,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,09% so tháng trước. Các lĩnh vực khác là khách sạn, nhà hàng; dịch vụ; du lịch cũng tăng nhẹ lần lượt 0,12%, 0,05% và 0,36% so với tháng 6/2012.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống mức âm từ tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%) so với tháng trước đó, dự kiến tháng 8 năm 2012, CPI vẫn tiếp tục âm. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 21%, cụ thể: thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 33,3%; mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 26,6%; sản phẩm từ plastic tăng 61,5%; xi măng tăng 49,2%; sắt, thép, gang tăng 20,8%; linh kiện điện tử tăng 53,8%; thiết bị truyền thông tăng 98,5%; xe có động cơ tăng 9,4%...

Mai Hoa

Đọc thêm