Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù

(PLVN) - Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Thường trực Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức sáng 29/2, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho CNQP, an ninh và động viên công nghiệp.
Các đại biểu tại hội nghị.
Các đại biểu tại hội nghị.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì hội nghị.

Tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh, tham gia phản biện xã hội là một yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam. Đây là việc làm rất cần thiết, mang tính dân chủ, tính nhân dân, tính khoa học và thực tiễn rất cao. Đồng thời, thông qua phản biện, góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền CNQP, công nghiệp an ninh (CNAN) hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo xác định “Xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”.

Như vậy, chúng ta đã có đủ chủ trương, đường lối về phát triển CNQP, an ninh nhưng thiếu hành lang pháp lý là Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp.

Tại Hội nghị, Thượng tướng Bế Xuân Trường đề nghị các đại biểu tham gia góp ý để hoàn thiện dự án Luật này để khi Quốc hội thông qua có sức sống, đi vào thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa.

Báo cáo về việc xây dựng dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết - Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 3/9/2023, Chính phủ có Tờ trình số 428/TTr-CP trình Quốc hội.

Theo đó, nội dung Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp được xây dựng với bố cục gồm 7 chương và 73 điều, tập trung vào 5 nhóm chính sách nổi bật gồm phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN.

Cùng với đó là chính sách hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ CNQP, CNAN; huy động nguồn lực cho CNQP, an ninh và động viên công nghiệp; mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về dự án Luật. Sau kỳ họp, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của QH, đại diện các Bộ, ban ngành liên quan tổ chức hơn 30 buổi họp để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý gồm 86 điều, 7 chương, tăng 13 điều (bổ sung 15 điều và bỏ 2 điều) nhằm đảm bảo bố cục các nội dung tập trung, khoa học. Có nhiều nội dung thay đổi do đã nghiên cứu làm rõ thêm các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; về phát triển CNQP, an ninh lưỡng dụng; về xây dựng tổ hợp CNQP; làm rõ hơn quy định về huy động nguồn lực cho CNQP, an ninh và động viên công nghiệp…

Phải có những đột phá về cơ chế, chính sách đặc thù

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chất lượng của cơ quan soạn thảo. Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP, an ninh và động viên công nghiệp; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn, an ninh xã hội.

Đánh giá cao dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Thiếu tướng, PGS.TS Mai Quang Huy - Phó giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự chỉ ra rằng, nội dung công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong dự thảo Luật đã được bao quát từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ nền, công nghệ lõi đến nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản xuất thử nghiệm sản phẩm.

Thiếu tướng, PGS.TS Mai Quang Huy - Phó giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự phát biểu tại hội nghị.

Thiếu tướng, PGS.TS Mai Quang Huy - Phó giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự phát biểu tại hội nghị.

Việc quan tâm đến hoạt động nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ lõi thể hiện được tính đúng đắn về đường hướng, kết quả nghiên cứu công nghệ nền, công nghệ lõi là cơ sở then chốt để làm chủ công nghệ, làm chủ hoạt động sản xuất sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao.

Vì vậy, sau khi Luật được ban hành, các cơ quan chức năng có thầm quyền cần có các văn bản dưới luật để hướng dẫn, cụ thể hóa định hướng thực hiện cũng như có các cơ chế đặc thù để khuyến khích đầu tư nghiên cứu thích đáng.

Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương đề nghị rà soát về từ ngữ trong dự thảo Luật để quy định đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, tránh khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực thi.

Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ phát biểu tại hội nghị.

Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ phát biểu tại hội nghị.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại hội nghị là quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho CNQP, an ninh và động viên công nghiệp.

Trong đó, về cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực CNQP, AN, các đại biểu nhất trí cho rằng, để phát huy nội lực, xây dựng nền CNQP, AN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại thì chính sách cho phát triển khoa học và công nghệ phải có những đột phá, phù hợp với đặc thù của ngành.

Dự thảo Luật đã đề xuất một số nội dung đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo được tính bảo mật cao như giao quyền tự chủ cho cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt trong triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ; cơ chế mua sắm đặc biệt đối với vật tư, bán thành phẩm, thiết bị đặc chủng quân sự không thể mua trên thị trường tự do.

Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế bảo vệ cho các nhà khoa học trong quá trình thực hiện nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm mang tính đột phá, rủi ro cao, nguy hiểm.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP, AN, dự thảo Luật đã quy định bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút, gìn giữ đội ngũ nhân lực, ngoài các quy định tại Nghị định 16/2023/NĐ-CP đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố nhân lực trong việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị hiện đại, TS Nguyễn Quang Tuấn - Tập đoàn Viettel kiến nghị cần phải xây dựng một lực lượng bao gồm một nhóm nhỏ “tinh hoa” của đất nước trong lĩnh vực này, trả lương theo cơ chế thị trường hoặc theo thông lệ quốc tế để thu hút nhân lực tham gia xây dựng CNQP, an ninh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về các quy định đặc thù liên quan đến thủ tục đầu tư; chính sách bảo đảm nguồn tài chính cho phát triển CNQP, AN; về lưỡng dụng trong hoạt động CNQP, AN. Qua đó, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, khả thi, tạo hành lang pháp lý để xây dựng tiềm lực CNQP, AN và động viên công nghiệp theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Đọc thêm