Phát triển hài hòa

(PLVN) - Cuối tuần qua có hai sự kiện quan trọng diễn ra với tỉnh Lào Cai. Đó là kỷ niệm 65 năm Bác Hồ thăm tỉnh Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023); và kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa, tính từ ngày Đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương khám phá ra địa danh này và đặt tên cho cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng đã phát triển, nhiều điều đáng mừng, Lào Cai là tỉnh “phên dậu” phía Bắc, nhiều năm qua được biết đến như một cực tăng trưởng của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ - trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; là trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, hóa chất, phát triển dược liệu của vùng và cả nước.

Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý, nếu nhìn từ góc độ phát triển xanh, bền vững. Chính vì thế, tại Lễ kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Lào Cai, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã lưu ý Lào Cai phải đặc biệt coi trọng, tăng cường quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai; coi trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, nhất là rừng già, rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh... gắn với tạo sinh kế cho đồng bào từ phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Còn tại Lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ, ngành và tỉnh Lào Cai trong quá trình phát triển du lịch cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hòa và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Cần nhắc lại, trước đó, đêm 12/9 tại xã Liên Minh, Sa Pa đã xảy ra trận lũ ống kinh hoàng, 14 người thương vong, trong đó có 5 người chết, 2 người mất tích. Liên Minh là xã có 4/7 thôn thuộc diện hết sức khó khăn.

Làm sao vừa giữ được rừng, vừa phát triển du lịch, vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa tạo sinh kế cho người dân để giảm nghèo, thoát nghèo; là vấn đề cần giải quyết.

Sa Pa ngày càng “chật căng” lên bởi tốc độ đô thị hóa, bộ mặt Sa Pa giờ đây có những khu vực là “bộ mặt bê tông”, nhiệt độ trung bình/ngày/năm đã tăng lên, không còn như cách đây 120 năm. Nhìn rộng ra, các địa danh du lịch khác nổi tiếng ở nước ta như Tam Đảo, Bà Nà, Đà Lạt... cũng đều đang đối mặt với những thách thức thời đô thị hóa, hệ lụy của “tư duy bê tông”.

Phát triển xanh, bền vững không phải đặt ra cho riêng một tỉnh nào. Xanh hóa sản xuất, xanh hóa sản phẩm, xanh hóa thụ hưởng đang là vấn đề của toàn cầu. Thậm chí, EU đã đưa ra Tiêu chuẩn xanh cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường của họ.

Cách đây 2 năm, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Thực hiện chiến lược này, không chỉ vì hôm nay.

Đọc thêm