|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Trong đó, vấn đề lo ngại là tỷ lệ ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21% khi nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng - an ninh và chi trả nợ đến hạn.
Bảo đảm cơ cấu nợ công
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với quyết định tăng 8% lương cho 3 nhóm đối tượng (khoảng 6,3 triệu người) từ 1/1/2015, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 – 2015 nên chủ trương tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015.
“Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%)” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhưng Thủ tướng khẳng định: “Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội” và “đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%)”.
Người đứng dầu Chính phủ cũng đã đưa ra các giải pháp “kiểm soát nợ công” trước lo lắng, bức xúc về tình trạng nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng, cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh, tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn…
Trả lời câu hỏi của ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) về việc Chính phủ có can thiệp và sử dụng ngân sách để hỗ trợ xử lý nợ xấu không, Thủ tướng một lần nữa khẳng định: “Chúng ta không có và không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, nhưng vẫn có cách để xử lý. Đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%. Chính phủ phấn đấu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn ở mức thông thường nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 3%”.
Phát triển kinh tế biển để giữ chủ quyền quốc gia
Biển Đông, phát triển kinh tế biển tiếp tục là chủ đề “nóng” được ĐBQH dành chất vấn Thủ tướng. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị Thủ tướng làm rõ “Trong những năm gần đây, chúng ta đã có bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo.
ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cùng gửi đến Thủ tướng mong muốn được biết quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với những vấn đề trên biển Đông, nhất là để giữ chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Khẳng định lập trường của Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc trong việc xây dựng tại đảo Gạc Ma và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng Thủ tướng khẳng định Việt Nam chủ trương “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong quan hệ đối ngoại, không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. “Việt Nam luôn mong muốn duy trì mối quan hệ để có hòa bình, ổn định, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thịnh vượng, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của các nước” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn nhận định rõ vai trò của biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nên đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, chiến lược về biển, đầu tư để vừa phát triển kinh tế biển, vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Thừa nhận những kết quả đạt được tuy nhiều nhưng chưa được như mong muốn, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa trong vấn đề này.
“Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục căn cứ vào khả năng ngân sách quốc gia, nợ công để có chiến lược đầu tư phù hợp cho kinh tế biển” – Thủ tướng cam kết.
Trước ý kiến của ĐB Đỗ Văn Đương “bớt đầu tư công trong bờ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển để “Giang tay giữ biển Đông ngàn dặm” trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết: “Vấn đề này khó rạch ròi, có khi đầu tư trên bộ lại là đầu tư cho biển, nên chúng ta cần phải thực hiện có chiến lược, có quy hoạch, kế hoạch với tinh thần chung là khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển”.
Thủ tướng cũng lý giải những điểm khó nếu thành lập Bộ Kinh tế biển như đề xuất của một số ĐBQH: “Nếu bây giờ lập Bộ Kinh tế biển mà tất cả các lĩnh vực kinh tế biển, an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển giao cho một bộ thì khó mà đảm đương được. Tuy nhiên, sẽ ghi nhận ý kiến này để nghiên cứu, xem xét cho nhiệm kỳ sau”.