Những ngày gần đây, dư luận cả nước đang quan tâm đến sự việc cuốn sách "Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" của NXB Lao Động - Xã Hội, được cho là phản cảm khi in hình nghệ sĩ Công lý được cắt ghép và mặc quần lót lên trang bìa của sách. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về việc này.
PV: Luật sư có đánh giá gì về sự cố việc được cho là phản cảm này?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Thông tin báo chí phản ánh những ngày qua cho thấy có việc Nhà xuất bản (NXB) Lao động - xã hội in hình nam diễn viên hài trên trang bìa của một cuốn sách luật mà lại là quy phạm pháp luật rất quan trọng, luật gốc của các luật chuyên ngành đó là Bộ luật dân sự.
Về việc này, trước hết tôi cho rằng việc tuyên truyền phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau trong đó có việc in, xuất bản, phát hành sách luật tới các tổ chức, cá nhân rộng rãi trong quần chúng nhân dân là đáng ghi nhận và cần khuyến khích. Song cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật liên quan.
Việc NXB sử dụng hình ảnh nam diễn viên hài Công Lý trên bìa 1 một cuốn Bộ Luật dân sự là không phù hợp, thiếu nghiêm túc. Tôi chưa nói đến trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào nhưng phạm trù pháp luật được thể hiện dưới dạng những quyển sách luật, bản thân nó đã hàm chứa sự nghiêm túc, tính nghiêm minh rồi.
Đối diện với hình ảnh chân dung của diễn viên hài nổi tiếng trên trang bìa của một cuốn sách Luật khiến ai đó có thể ái ngại, lo lắng về sự nghiêm minh của luật pháp, đó là sự thiếu tôn trọng pháp luật ngay trong hoạt động xuất bản.
Sai sót của NXB trên bìa sách cùng một lúc xâm hại tới nhiều khách thể bị đó là tính nghiêm túc của Luật pháp Việt Nam, là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật và hình ảnh uy tín của nghệ sĩ Công Lý mà đơn giản là sự phiền phức mà cá nhân nghệ sĩ đang gặp phải. Một xuất bản phẩm được đưa ra công chúng thì cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung, hình ảnh mà nó chứa đựng theo một quy trình đã được luật hóa.
PV: Diễn viên hài Công Lý cho hay, anh chưa được xem trực tiếp cuốn sách mà chỉ được phản ánh qua báo chí. Có thể khẳng định việc NXB Lao động - Xã hội tự ý sử dụng hình ảnh của diễn viên hài Công Lý mà chưa xin phép rõ ràng là trái quy định của pháp luật. Như vậy, trong sự việc này, Công Lý có nên kiện NXB về việc sử dụng hình ảnh mà không xin phép, cắt gép hình ảnh gây ra phản cảm và thủ tục như thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Ở đây, chúng ta phải tách bạch và giải quyết từng mối quan hệ: Giữa NXB và Nhà nước, giữa NXB và Nhà sách, giữa NXB và nghệ sĩ Công Lý. Đối với mối quan hệ giữa NXB và nghệ sĩ Công Lý mà nhà báo đặt ra, trước hết khẳng định rằng diễn viên có quyền khiếu nại, quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật, có điều nghệ sĩ có sử dụng quyền này hay không, cá nhân nghệ sĩ sẽ xem xét mức độ thiệt hại và tự quyết định.
Còn pháp luật thì quy định rằng trong các quyền dân sự của cá nhân thì quyền nhân thân nói chung và quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
PV: Giám đốc NXB Lao Động & Xã Hội Nguyễn Hoàng Cầm cho biết: “Bìa sách đó là ý tưởng của đối tác liên kết với NXB, đó là nhà sách Lao Động, chứ nếu sách của NXB làm thì chúng tôi không bao giờ làm thế. Chúng tôi là NXB có uy tín, chúng tôi biết không được phép làm như vậy, nhất là đối với một cuốn sách luật”. Như vậy trách nhiệm của NXB ở đây vẫn phải là đơn vị quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ việc cho XB nội dung , nhưng họ đã để xảy ra chuyện này, Luật sư có thể đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu NXB LĐ- XH?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Ông Giám đốc NXB đã giải thích như thế này thì theo tôi là thiếu căn cứ pháp luật và thiếu thuyết phục, bởi lẽ: Điều 18 Luật xuất bản quy định Giám đốc, Tổng giám đốc các nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quản chủ quản về xuất bản phẩm của mình, đồng thời quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu tổ chức xuất bản nên không thể có chuyện “bìa sách có một không hai” này lại lọt qua được sự kiểm duyệt của NXB cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Luật cũng nghiêm cấm các hành vi như: Xuất bản mà không đăng ký; không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu.
Đối chiếu quy định của Luật thì muốn xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong vụ việc này cần phải làm rõ được một số câu hỏi mấu chốt sau: Bản thảo đã được duyệt chưa? Sách đã được đăng ký, cấp giấy phép hay quyết định xuất bản chưa? Nếu cấp rồi thì việc nộp lưu chiếu xuất bản phẩm đã được thực hiện, Cục xuất bản đã đọc và duyệt bản lưu chiểu chưa vì Luật quy định việc nộp lưu chiểu phải được thực hiện muộn nhất 10 ngày trước ngày phát hành.
Có hay không thỏa thuận liên kết giữa NXB và nhà sách, nội dung cụ thể các điều khoản của thỏa thuận. Nếu chưa thực hiện các bước trên, thì tổ chức phát hành sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã vi phạm điều cấm của Luật: Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu.
Dù bìa sách đó do ý tưởng của đối tác liên kết với NXB là Nhà sách Lao Động thì Giám đốc NXB Lao Động & Xã Hội vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai phạm trên. Theo dó, Điều 3 Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản ban hành kèm theo quyết định số 38/2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên kết xuất bản như sau: “Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất bản phẩm liên kết của mình; Giám đốc cơ sở in, Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở phát hành xuất bản phẩm, đối tác liên kết liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất bản phẩm liên kết”.
Thực tế, toàn bộ các vụ việc sai sót của các Nhà Xuất bản chỉ dừng lại ở mức kiểm điểm, phê bình và phạt hành chính, do vậy Cục xuất bản cũng cần phải hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan đến công tác xuất bản, phát hành và kinh doanh các ấn phẩm. Đồng thời có những hình thức xử lý nghiêm minh theo luật định và cụ thể với từng mức độ sai phạm như tăng mức độ chế tài, xử phạt với các vi phạm xuất bản cá nhân, đơn vị riêng lẻ và đơn vị liên kết.
Cuối cùng theo tôi, cần thiết phải làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với từng cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc cho biên tập, duyệt bản thảo, in ấn, xuất bản, quyết định xuất bản, giấy phép xuất bản, nộp lưu chiểu, đọc bản lưu chiểu và phát hành cuốn sách này một cách nghiêm minh, khách quan đúng pháp luật. Có như vậy hoạt động xuất bản, phát hành mới thực hiện trở lại là một sân chơi lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng đồng thời góp phần nâng cao dân trí trong đó có nâng cao tri thức pháp luật cho nhân dân.
PV: Xin cảm ơn luật sư..!