"Chưa giải quyết được nợ đọng bảo hiểm"

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền là thành viên thứ 4 của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8. Những vấn đề “nóng bỏng” về nợ đọng BHXH, Tiền lương… đã được các ĐB đưa lên chất vấn Bộ trưởng. 
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
Nợ đọng bảo hiểm, khó để xử lý dứt điểm
Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) về tình trạng nợ đọng bảo hiểm, Bộ trưởng khẳng định nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng nợ đọng BHXH đó là tổ chức công đoàn ở các địa phương thường không phản ánh kịp thời tình trạng nợ bảo hiểm để bảo vệ người lao động. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi phát hiện tình trạng doanh nghiệp chây ì đóng BHXH cho người lao động phải phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng để vấn đề được xử lý sớm hơn.
Xử lý nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH, theo Bộ trưởng, phải có chế tài nghiêm túc hơn. Một biện pháp mạnh theo Bộ trưởng rất cần thiết để khắc phục tình trạng nợ đọng là nâng mức chậm đóng; đồng thời sẽ kiến quyết chuyển cơ quan điều tra đối với các doanh nghiệp cố tình không đóng báo hiểm.
Trước câu hỏi của ĐB “Đến khi nào chấm dứt nợ đọng?” Bộ trưởng cho rằng rất khó để xử lý dứt điểm. Bởi sự tồn đọng nằm cả ở những doanh nghiệp cố tình và những  doanh nghiệp khó khăn. Với các doanh nghiệp cố tình chây ì, thì khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực, sẽ giải quyết được một cách cơ bản. Còn với một số doanh nghiệp khó khăn thực sự, thì phải từ từ. 
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhận trách nhiệm của ngành đối với công tác kiểm tra giám sát phát hiện và xử lý. Bộ trưởng cũng biện minh: “Toàn ngành có trên 400 cán bộ nhân viên làm công tác thanh tra, ở Bộ có khoảng 55 người; ở địa phương từ 5-7 người, thanh tra ở rất nhiều lĩnh vực: lao động việc làm, người có công, giảm nghèo, bảo trợ xã hội… nên số cuộc cần kiểm tra trong lĩnh vực này còn rất ít. Ở địa phương cũng thực hiện kiểm tra nhưng so với số doanh nghiệp cần phải được kiểm tra về trách nhiệm đóng BHXH cũng còn rất hạn chế.”
Theo Bộ trưởng, đây là lý do Bộ đồng ý với đề xuất giao cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra về thu bảo hiểm; còn thanh tra Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm và thực hiện chính sách bảo hiểm là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm lần này.  
Tăng lương, vẫn chưa phải giải pháp căn cơ
Về vấn đề tiền lương, ĐB Phạm Tất Thắng chất vấn cho rằng tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%. Lần nâng lương này, cũng chưa thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề tiền lương.
Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 - QH Khóa XIII
 Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 - QH Khóa XIII
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận các giải pháp về nâng lương thời gian qua chưa giải quyết được vấn đề một cách căn cơ.
Bộ trưởng cho biết: Trong phương án có lộ trình tiến đến 2015, 2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhưng do khả năng ngân sách chúng ta phải từng bước tính theo khả năng. Vì vậy, qua 2 lần trình, Trung ương đã thảo luận và thấy rằng trước mắt phải dãn lộ trình, và chưa đạt tới lộ trình tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.
“Năm nay Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã cân nhắc. Khi đã quyết định lương tối thiểu của doanh nghiệp khu vực I là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, trong khi lương của cán bộ công nhân viên chức vẫn chỉ có 1.150.000 đồng, vì vậy dù rất khó khăn nhưng qua thảo luận về ngân sách, Quốc hội đã quyết định dành khoản 11.000 tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho những cán bộ công nhân viên chức có mức lương thấp và đối tượng người có công, người nghỉ hưu. 
Đây là quyết định nhân văn, nhưng thực chất mới chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương” Bộ trưởng cho biết./. 

Đọc thêm