Chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp chiều nay, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lo sợ "kế sách không đánh mà thắng" nhằm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. "Cử tri cả nước quan tâm đặc biệt đến tình hình trên, mong muốn Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc?" - ĐB nói.
Thể hiện rõ quan điểm, Thủ tướng trả lời: Chúng ta ngồi đây và đồng bào, đồng chí cả nước đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa – chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988 và trong tình thế lúc đó chúng ta cùng các nước ASEAN kí với Trung Quốc tuyên bố chung về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông – DOC là các bên giữ nguyên hiện trạng không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết. Việc Trung Quốc bồi lấp biển như theo thông tin báo chí nêu ở đảo chữ Thập thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, khoảng 49ha, lớn hơn đảo Ba Bình là đảo lớn nhất lâu nay.
Lập trường của chúng ta là phản đối, vì điều này đã vi phạm Điều 5 của tuyên bố DOC. Tức là tuyên bố của thái độ, ứng xử của các bên liên quan đến biển Đông mà Trung Quốc là một bên. Lập trường này, người phát ngôn bộ Ngoại giao nhiều lần nêu rõ. Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi, thay mặt chính phủ Việt Nam, thể hiện rõ lập trường. Và ở các hội nghị, đặc biệt là hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN, cả hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN với tám nước trong đó có Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc… tôi cũng nhấn mạnh lập trường này. Đó là chủ trương, thái độ của chúng ta, đã bày tỏ rất rõ ràng."
Theo Thủ tướng, đối với Trung Quốc cũng như tất cả các nước trên thế giới, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán. Hiến pháp năm 2013 đã quy định, đường lối đối ngoại là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ… trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi, tôn trong Hiến chương Liên hợp quốc.
“Ta đối với Trung Quốc dù mưa, nắng hay bão lũ thì mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn chân thành, hợp tác, gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện thực chất hiệu quả phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt để đem lại lợi ích cho cả hai bên. Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết bất đồng giữa hai nước về biên giới biển đảo theo Công ước Liên hợp Quốc và Luật Biển năm 1982”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Nói ngắn gọn, đầy đủ về quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
“Chúng ta “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước để có hòa bình, ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; để cùng có lợi, cùng thịnh vượng; để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng trên cơ sở đường lối đối ngoại, nhất quán”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt nghĩa.
Đặt câu hỏi “trong những năm gần đây chúng ta đã có bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo?”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Biển bạc nước ta giàu tài nguyên, mênh mông hàng triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. 500 năm về trước Trạng Trình đã căn dặn chúng ta: “Biển Đông ngàn dặm giang tay giữ” Chính phủ đã có chiến lược gì cho kế sách phát triển kinh tế biển?
Trả lời chất vấn của ĐB Đương, Thủ tướng cho biết, Đảng ta đã có nghị quyết chuyên về chiến lược biển. Chính phủ cũng đã có chương trình hành động, có kế hoạch hành động, đã triển khai thực hiện và đầu tư phát triển. Chính phủ vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển.
“Sau thời gian thực hiện đã đạt được nhiều kết quả. Nhưng so với mong muốn thì cần phải nỗ lực hơn nữa, trong đó có đầu tư để phát triển kinh tế biển, để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Chính phủ đã, đang và tiếp tục làm”, Thủ tướng nói./.