Phát triển kinh tế xanh: Cần có cuộc cách mạng về thể chế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, phát triển kinh tế xanh (KTX) là một cuộc cách mạng, trong đó, cuộc cách mạng lớn nhất là về thể chế…
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Thanh Thanh)
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Thanh Thanh)

Áp lực từ thị trường

Tọa đàm “Thúc đẩy phát triển KTX bền vững” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngay trước thềm ngày Môi trường Thế giới 5/6 đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia có tiếng

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, bà Hoàng Thanh Nhàn nhấn mạnh, phát triển KTX, kinh tế tuần hoàn (KTTH) để tăng trưởng bền vững là bước đi tất yếu của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam…

Từ những định hướng của Đảng, Chính phủ trong phát triển KTX, KTTH, bà Nhàn nhấn mạnh, trong quá trình đó, Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng cho doanh nghiệp (DN) thông qua việc tạo ra cơ chế, chính sách, các công cụ điều hành nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong nền kinh tế, và DN chính là hạt nhân của KTX.

Nhìn dưới lăng kính 3 góc độ: Nhà nước, DN và thị trường, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Viện Chiến lược chính sách TN&MT, Bộ TN&MT cho rằng đang thiếu một sợi dây xuyên suốt để kết nối 3 cấu thành này.

“Thực ra phát triển KTX không chỉ là mong muốn mà đó là áp lực thị trường để các DN cơ quan nhà nước phải thay đổi!”, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW (CIEM) quả quyết.

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, bà Hoàng Thanh Nhàn phát biểu tại Tọa đàm

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, bà Hoàng Thanh Nhàn phát biểu tại Tọa đàm

Từ thực tế khảo sát DN, TS Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường, Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp Môi trường cho biết, khảo sát của Hiệp hội mới đây cho thấy có DN chỉ sản xuất túi nilon xuất khẩu nhưng nhà xưởng mát lạnh, sàn nhà không có một hạt bụi. “Đó là đối tác họ yêu cầu như vậy. DN không chờ được ưu đãi hay khuyến khích, họ tự thấy áp lực từ thị trường nên phải thay đổi…”, ông Thái nói.

Khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) được đề cập khá nhiều tại Tọa đàm như một mô hình KCN xanh, KTTH. Tuy nhiên theo phản ánh tại Tòa đàm, nước thải sau khi xử lý cũng đổ thẳng ra biển mà chưa sử dụng quay vòng. KCN này muốn xử lý chất thải rắn cũng không được vì chưa có trong quy hoạch (!?)

Theo TS Võ Trí Thành, KCN này do DN tư nhân đầu tư và cũng chưa được hưởng ưu đãi gì theo quy định của pháp luật, nhưng họ vẫn làm, làm đến đâu lấp đầy đến đó… "Rõ ràng đang có áp lực từ phát triển KTX, KTTH trong khi cơ chế chính sách đã thiếu và cũng chưa đi vào cuộc sống…", Chuyên gia nhận xét.

Ưu tiên số 1: Hoàn thiện khung khổ pháp luật

Báo cáo tại Tọa đàm cho thấy, sau 9 năm triển khai chương trình tín dụng xanh, đến 31/03/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình (dư nợ chỉ 71 nghìn tỷ đồng), dư nợ cho chương trình tín dụng xanh đã tăng 9 lần, bình quân mỗi năm tăng 100%, tăng gấp 7 lần so với dư nợ bình quân chung của cả nền kinh tế.n.

Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng bởi cho đến nay rất nhiều quy định về KTX, KTTH vẫn chưa có, ngay như quy định như thế nào là “xanh” để ngân hàng làm căn cứ cho vay cũng chưa được ban hành.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Là Ngân hàng tiên phong trong triển khai chương trình tín dụng xanh, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Agribank đã chỉ ra một loạt bất cập liên quan đến pháp luật như: Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về KTTH, pháp luật về KTTH còn phân tán và thiếu tính hệ thống, nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có sự đồng bộ giữa pháp luật về môi trường với pháp luật về đất đai, đầu tư, DN, thuế, công nghệ trong thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển KTTH. Pháp luật về KTTH vẫn chưa được quy định chi tiết, đầy đủ; không dẫn chiếu, liên kết với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế.

Dẫn chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh khẳng định, khung khổ thể chế cho phát triển KTTH ở Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn thiện. Đơn cử như: Việt Nam chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH; Dù được đề cập nhiều, song vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí chưa có.

Ở một khía cạnh khác, Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu cần thiết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ của vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp khó khăn về cả thị trường nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho KTTH.

Mặc dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định tương đối đầy đủ để phát triển thị trường tái chế chất thải rắn, nhưng thị trường này vẫn chưa được hình thành đầy đủ do thiếu những cơ chế, chính sách liên kết giữa các DN, nhà sản xuất; các DN vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm tái chế…

TS Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường, Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp Môi trường

TS Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường, Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp Môi trường

Đặc biệt, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP phải được ban hành trước ngày 31/12/2023, tuy nhiên, đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. “Việc chậm ban hành Kế hoạch hành động này đã và đang tạo khoảng trống trong triển khai KTTH, đặc biệt ở cấp ngành, địa phương và DN…”, bà Minh khẳng định.

Trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển KTX, tại Tọa đàm ý kiến các chuyên gia đều khẳng định ưu tiên số 1 chính là hoàn thiện khung khổ pháp lý.

“Câu chuyện của Việt Nam là vừa học vừa làm. Đây không chỉ là cam kết chính trị mà chính là áp lực từ thị trường”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Đọc thêm