Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã trình bày và trao đổi nhiều vấn đề quan trọng, then chốt trong thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL.
Các đại biểu đều thống nhất khẳng định, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thực trạng, du lịch ĐBSCL đang còn nhiều hạn chế, trong đó quan trọng nhất là vấn đề nguồn nhân lực.
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham gia |
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch được xem như là công tác thường xuyên, liên tục, xem đó là một trong những giải pháp mang tính đột phá để góp phần phát triển du lịch ĐBSCL. Tuy nhiên, thực trạng tại ĐBSCL nguồn nhân lực qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ rất thấp, từ đó chưa thể tạo đột phát giúp du lịch phát triển.
Theo ông Tuấn, để phát triển nguồn nhân lực đầu tiên cần cần nâng cao chất lượng đào tạo, định hướng đào tạo phải gắn với thực tế. Đồng thời, ĐBSCL cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng mang tính dài hạn. Từ đó, mới có thể phát huy tối đa tiềm lực cũng như tranh thủ được các thời cơ thuận lợi trong điều kiện mới.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn đặt ra một vấn đề rất quan trọng và bức thiết quyết định đến sự phát triển ngành du lịch ĐBSCL, đó là việc thực thi pháp luật. Ông Thái Rết - Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến du lịch ĐBSCL phát triển chưa đột phá và xứng tầm là do các địa phương chưa nâng cao tầm quan trọng và vai trò của thực thi pháp luật về du lịch.
Từ đó, ông Rết đề nghị cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các đối tượng liên quan trong ngành du lịch. Đồng thời cần có khung hình phạt thật nghiêm khắc đối với các hành vi bị cấm trong lĩnh vực du lịch để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Ông Thái Rết - Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng trình bày tham luận tại Hội thảo |
Tương tự, ông Lê Quốc Dũng - Chánh án TAND tỉnh Long An cho biết, hiện ở ĐBSCL đang phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, loại hình du lịch này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong thực thi pháp luật.
Theo ông Dũng, đa số các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL còn tự phát. Người dân tận dụng ruộng vườn của mình để làm điểm du lịch. Việc sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện mô hình homestay và farmstay chưa đáp ứng điều kiện theo quy định. Nhiều trường hợp, các hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp phục vụ kinh doanh du lịch trong khi pháp luật không cho phép.
Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL chưa có hành lang pháp lý cụ thể để được hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư nhằm phát triển bền vững, ổn định. Từ đó, ông Dũng đề nghị, cần tạo hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng, đúng quy định và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang phát triển mạnh tại ĐBSCL. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về trình độ, kỹ năng các nghề du lịch cũng như kiến thức và tinh thần tuân thủ pháp. Để đạt được hiệu quả, rất cần sự chung tay của cả hệ thống, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự quan tâm tham mưu chính xác, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý du lịch.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch và công tác phổ biến, tập huấn về pháp luật du lịch tại vùng ĐBSCL”, ông Thủy nhấn mạnh.