Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Đến nay, công tác này đã đi vào nền nếp và nhận được sự quan tâm ủng hộ từ nội bộ cơ quan Hải quan, từ cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
Cán bộ Hải quan nỗ lực phục vụ các yêu cầu của doanh nghiệp. (Ảnh: PV)
Cán bộ Hải quan nỗ lực phục vụ các yêu cầu của doanh nghiệp. (Ảnh: PV)

Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy

Mục tiêu về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp (DN) trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định 628/QĐ-TTg) đặt ra là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với DN tin cậy để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các DN xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của DN trong chuỗi cung ứng”.

Để công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất, cơ quan Hải quan luôn xác định DN là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển, hướng đến xây dựng đối tác Hải quan - DN gắn với chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan.

Xác định tiếp tục đưa quan hệ đối tác Hải quan - DN ngày càng thực chất trên tất cả các khâu nghiệp vụ. Các hoạt động được triển khai cụ thể như cung cấp thông tin đến cộng đồng DN các nội dung trọng yếu về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế, quy định mới... bằng nhiều hình thức. Đặc biệt khuyến khích cộng đồng DN tham gia phản biện hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan, hợp tác đối tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Hải quan và DN, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan.

Cơ quan Hải quan các cấp chủ động nghiên cứu, đổi mới đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ DN thực hiện thủ tục hải quan phù hợp với đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của DN.

Cán bộ, công chức Hải quan thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất và kế hoạch xuất nhập khẩu (XNK) của DN, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ; giải đáp những kiến nghị, vướng mắc của DN trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa để DN duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động phân tích, đánh giá tình huống thực tế, xác định các vấn đề thời sự, lựa chọn đúng các nhóm DN trọng điểm cần quan tâm để tổ chức triển khai các hoạt động đối tác trọng điểm cho phù hợp.

Tăng cường hoạt động thu thập thông tin đánh giá chất lượng phục vụ dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan của DN đối với cơ quan Hải quan (thông qua khảo sát sự hài lòng khách hàng, phần mềm khai báo hải quan...) để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển quan hệ

Về các hoạt động thời gian qua, cơ quan Hải quan đã chủ động thực hiện 542 lượt hải quan tham vấn doanh nghiệp. Nội dung chủ yếu về các quy định chính sách pháp luật thuế và hải quan, các chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan (tham vấn các nội dung liên quan đến chính sách thuế và hải quan; quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK được giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp cách mạng công nghệ 4.0 trong thông quan hàng hóa XNK...

Xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ đối tác như ban hành chương trình khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ; tổ chức các cuộc họp định kỳ định kỳ với các hiệp hội (Hiệp hội DN Nhật Bản, Liên minh DN Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu…) nhằm giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các DN thành viên; tổ chức hội nghị đối thoại toàn quốc (tại cấp Tổng cục, Cục, Chi cục); đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với DN XNK qua cảng biển; chia sẻ những sai phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan mà các DN hay mắc phải để lưu ý tránh các lỗi vi phạm, sai sót không đáng có; xây dựng các điển hình DN đối tác tự nguyện tuân thủ tốt pháp luật hải quan, tích cực tham gia hợp tác với cơ quan Hải quan…

Về phía đối tác là các hiệp hội và DN đã chủ động tham vấn với cơ quan Hải quan về các nội dung hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, các nội dung trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Theo đó, tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan với số lượng 78 lượt về các nội dung như Thông tư số 62/2019/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC...; tham vấn về nội dung cụ thể như quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, các thủ tục liên quan đến thành lập địa điểm kiểm tra tại nơi sản xuất, chân công trình; thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính...

Ngoài ra, các đối tác của cơ quan Hải quan cũng đã nỗ lực hỗ trợ các chuyên đề có liên quan đến đào tạo kỹ năng cho công chức Hải quan như: Kỹ năng phân biệt hàng thật - giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho 60 công chức thuộc Cục Hải quan TP Hà Nội (Hiệp hội các DN Cooperatueve verniging snb-react U.A); Kỹ năng phân biệt hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho 40 công chức Hải quan toàn quốc (Công ty Giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận…

Trong thời gian tới, cơ quan Hải quan và các đối tác tập trung hướng tới các hoạt động có liên quan đến các nội dung. Cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN (thông tin, tham vấn, tham gia, hợp tác) tại các cấp của Tổng cục Hải quan trên phạm vi toàn quốc; xây dựng quan hệ đối tác Hải quan - DN dựa trên thế mạnh, năng lực, nhu cầu hợp tác của DN; tăng cường sự tham gia trong tiến trình cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số của cơ quan Hải quan theo định hướng của Chính phủ…

Đọc thêm