Vishnu được chọn làm mảnh ghép đầu tiên, mở ra một không gian tại vùng ngoại ô Mumbai với những đoạn hội thoại cùng đức Phật. Độc giả được dắt ngay vào thế giới đan xen giữa thực và ảo, đặt chân đến thời khắc cuối cùng và mở ra một thế giới khác - thế giới của những phận người nối đuôi nhau trong mạch ngầm của cuộc đời.
Ở Châu thổ, hành trình đi tìm nước ngọt giữa mùa hạn hán như một thực tế phũ phàng nơi con người phải đối mặt với thiên nhiên và lăn lóc để qua cơn bĩ cực. Ở Bể cá, người vợ những tưởng cả đời an phận bên cạnh chồng bỗng chốc để cho nỗi hoài nghi về bản thân lên ngôi và canh cánh những cuộc vượt ngục trong tâm hồn để đi tìm một nơi nương tựa cho đời mình.
Phật trong hẻm nhỏ là cuộc thu gom những mảnh đời lưu lạc với thế giới nội tại, nơi mỗi người đối mặt các vấn đề của cuộc sống dưới lăng kính của một nhà văn trẻ.
Tác giả Mộ phần tuổi trẻ mở ra một cánh cửa vừa là lối thoát vừa là rào cản ngăn trở đích đến trong mỗi hành trình. Ta dễ dàng bắt gặp một giọng điệu thân quen trong dòng chảy đương đại và đứng ở hành lang thời gian, nơi một giai thoại lịch sử được kể một cách ngạo nghễ dội về những thanh âm ở Quán biên thùy. Nhưng rồi ở một nơi xa lắc xa lơ, con người đánh mất quê hương, đánh mất căn cước đời mình, trôi dạt trên dòng chảy mưu sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác, tồn tại vững chãi một khát khao đi tìm danh tính và nguồn cội dù đang đứng ở mép rìa nơi sự ruồng bỏ lên ngôi.
Có thể nói ở tập truyện ngắn này, Huỳnh Trọng Khang dường như tối giản trong cách kể, cắt gọn những đoạn hội thoại không cần thiết để tập trung vào số phận nhân vật. Một công nhân cả đời cần mẫn trong nhà máy sản xuất muỗng lại trở thành tên trộm vào những giây phút lạc lòng và xem Chiếc muỗng - món đồ mình trộm - như báu vật trên đời. Câu chuyện được kể bằng giọng dửng dưng nhưng gieo vào lòng độc giả nỗi xót xa về một cuộc đời khác từ bên trong.
Phật trong hẻm nhỏ như một thế giới vật chất thu hẹp vẽ nên bằng đức tin của con người. Sự sắp xếp có chủ ý về 13 câu chuyện với khởi nguyên từ chân đế mang nội hàm tuyệt đối khi loài người được sinh ra, diện kiến, chuyện trò cùng đức Phật và kết thúc bằng tục đế với một dòng vỏn vẹn E=MC2 của Einstein, cho rằng năng lượng có thể chuyển thành khối lượng và ngược lại. Những điều đó dường như chỉ để nói rằng, tất cả những gì xung quanh chúng ta đều là tương đối.
Khi Huỳnh Trọng Khang bước ra từ con hẻm nhỏ nơi bức tượng Phật bị cháy đen nằm giữa ngôi chùa trơ trọi, những câu chuyện khác sẽ được kể, những hiện thực xã hội sẽ được phản ánh…