Phê xấu vào lý lịch công dân, bao giờ có… hồi kết?

(PLO) - Trong tuần đã xuất hiện một vụ kiện hy hữu giữa nguyên đơn là một Thượng úy Cảnh sát giao thông (CSGT) và bị đơn là Chủ tịch UBND một xã. Nội dung kiện vì viên Thượng úy cho rằng một số nội dung góp ý, phê xấu vào lý lịch của Chủ tịch UBND xã đối với mình là không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín.

Phê “hách dịch ỷ quyền” vào lý lịch công dân, Chủ tịch xã bị kiện 

Xác nhận với báo chí về vụ án hy hữu CSGT kiện Chủ tịch xã, TAND huyện Củ Chi, TP HCM cho biết đã thụ lý vụ án của anh Nguyễn Thanh Phương (trú xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) kiện bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ để yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần số tiền 13 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch xã này phải xin lỗi công khai. Nguyên đơn Nguyễn Thanh Phương đang công tác tại Đội CSGT Bến Thành (Phòng PC67, Công an TP HCM) với cấp bậc Thượng úy.

Theo nội dung vụ khởi kiện, cuối tháng 10/2017, thực hiện việc bình xét thi đua cuối năm của PC67, anh Phương đã mang phiếu góp ý về địa phương để Tổ trưởng và lãnh đạo UBND xã Bình Mỹ nhận xét, xác nhận. Tại đây, Tổ trưởng Tổ 9, ấp 4A (nơi anh Phương và gia đình cư trú) đã phê nhiều nội dung không tốt về lý lịch của anh Phương. 

Cụ thể như sau: “Bản thân và gia đình tham gia sinh hoạt tổ dân phố, quan hệ với quần chúng nơi cư trú: Chưa tốt; Bản thân và gia đình chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước: Chưa tốt; Bản thân ông Phương không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch, ỷ quyền. Xem thường mọi người xung quanh. Lãng phí trong việc thực hiện tiết kiệm sinh hoạt cuộc sống, nhất là việc tang, sinh nhật, tân gia”. Sau nội dung phê của Tổ trưởng, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Đỗ Thị Thanh Thúy đã ký xác nhận và đóng dấu.

Khi nhận được bản lý lịch “quá xấu” về mình, anh Phương cho rằng góp ý này có nhiều nội dung không đúng sự thật, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, công tác và thành tích thi đua ở đơn vị. Vì vậy, Thượng úy CSGT đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ yêu cầu xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường thiệt hại.

Vụ kiện hy hữu này khiến dư luận hết sức quan tâm vì trong thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng một số cán bộ phường, xã đã phê vào sơ yếu lý lịch của công dân một số nội dung không phù hợp và không đúng với quy định pháp luật, khiến người bị phê gặp rắc rối trong học tập và trong công tác.

Đáng tiếc có vụ việc diễn ra cuối năm 2016, ông Trần Tấn Huyên (thương binh 3/4, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) mang sơ yếu lý lịch của con gái là Trần T. T (SN 1991) đến UBND xã Tịnh Khê xin xác nhận sơ yếu lý lịch làm hồ sơ xin việc tại một trường học ở TP Hồ Chí Minh. Thay vì xác nhận đúng hay sai, UBND xã Tịnh Khê lại phê “Bà Trần T. T hộ khẩu xã Tịnh Khê. Gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”. Lý lịch này được ông Đỗ Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê ký, đóng dấu xác nhận.

Hay vụ việc do nợ xã hơn 7 triệu đồng vào các năm 2015 - 2016 nên hai người con của ông Nguyễn Văn Hùng (trú xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) liên tục bị trưởng công an xã này “phê xấu” vào hồ sơ lý lịch, thậm chí một người con không được kết nạp Đảng. Tương tự là vụ việc gia đình không đủ tiền đóng làm đường, cô gái bị Phó Chủ tịch xã phê “lý lịch xấu” ở An Bình (Nam Sách, Hải Dương) hồi tháng 8/2017…

Bộ Tư pháp: Chỉ được chứng thực chữ ký trong Sơ yếu lý lịch

Trong một buổi họp báo công tác tư pháp diễn ra cách đây chưa lâu, ông Đỗ Đức Hiển, Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp khẳng định: Qua theo dõi công tác về chứng thực và phản ánh của báo chí cho thấy, việc báo chí phản ánh một số địa phương chứng thực chữ ký trong Sơ yếu lý lịch của công dân không đúng quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là có thực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch. 

Để chấn chỉnh tình trạng này và đảm bảo thực hiện tốt Nghị định số 23/2015, ông Hiển thông tin, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã có Công văn số 873/HTQTCT-CT gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, công văn yêu cầu tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định của Nghị định số 23/2015. Các địa phương phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan, tổ chức vi phạm quy định của Nghị định số 23/2015.

Bên cạnh đó, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đều có văn bản đề nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.

Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai Sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. UBND cấp phường, xã không được phép phê nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.

Quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế địa phương vẫn xảy ra những “sự cố” đáng tiếc. Hy vọng, phiên tòa xét xử vụ kiện của anh Phương nói trên sẽ có được kết quả tích cực để chấm dứt tình trạng phê xấu vào Sơ yếu lý lịch của công dân.

Đọc thêm