“Số lượng phi công báo ốm và nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng với VNA tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ”, Nghị quyết số 09 ngày 6/1/2014 do ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch VNA ký, đóng dấu khẩn cho biết như vậy.
Trước đó, từ hồi tháng 10/2014, “làn sóng” phi công VNA xin chuyển đổi nhà khai thác đã âm ỉ diễn ra. Hàng chục phi công trong đoàn bay 919 đã nộp đơn xin nghỉ việc. Đây là “cú sốc” không nhỏ cho “anh cả” hàng không Việt Nam. Trong nhiều báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước cũng như truyền thông, đại diện của VNA đều cho rằng hiện tượng này làm xáo trộn lịch bay, thậm chí uy hiếp… an toàn bay.
Thực tế, không phải tới năm 2014, phi công đoàn bay 919 mới “phản ứng” tiêu cực để xin nghỉ việc. Từ năm 2010, phi công đoàn bay này đã từng yêu cầu có cuộc họp riêng với lãnh đạo VNA để chất vấn về vấn đề lương bổng. Báo chí đưa tin, câu hỏi chính được đưa ra tại buổi chất vấn là: Tại sao với năng lực tương đương nhau, lương bổng của phi công Việt Nam thấp hơn quá nhiều so với phi công thuê từ nước ngoài. Lời giải đáp được lãnh đạo VNA đưa ra là “thuê phi công nước ngoài, chúng tôi không phải tốn chi phí đào tạo”.
Theo số liệu thống kê, hiện lượng phi công “nội” của VNA là khoảng 600 người, đáp ứng gần 70% nhu cầu cần khai thác. Mức lương trung bình của đội ngũ phi công “nội” năm 2013 là 74,8 triệu đồng. Trong khi VNA đang trả lương cho phi công nước ngoài xê xích từ 8.000 – 13.000 USD.
Không chỉ không “hài lòng” về mức lương và sự “phân biệt khủng” giữa phi công “nội” và phi công “ngoại”, nhiều phi công sau khi ra đi đã lên tiếng cho rằng môi trường làm việc tại VNA cũng không “kích thích”, có quá nhiều những ràng buộc bất hợp lý và khiến cho phi công không có cảm giác gắn bó.
Có lẽ vì thế, “cơn sóng ngầm” tại đoàn bay 919 dịp tết dương lịch 2015 vừa qua đã “tăng cao”, vượt mức “báo động”, khiến cho “ông anh cả” phải vội vã “ban lệnh giới nghiêm” bằng một văn bản có dấu hiệu trái luật.
Tổng số phi công "nội" của VNA hiện có khoảng 600 người, đáp ứng gần 70% nhu cầu cần khai thác, ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ. |
Tới Nghị quyết của “anh cả” hàng không Việt Nam
Ngày 6/1/2015, VNA ban hành Nghị quyết số 09, về việc phi công đoàn bay 919 báo ốm tăng bất thường trong dịp Tết dương lịch. Nghị quyết này đã “nâng quan điểm” việc phi công xin nghỉ ốm trở thành vấn đề an toàn, an ninh và ra Nghị quyết để báo cáo Chính phủ và Bộ GTVT. Theo đó, hội đồng thành viên VNA kiến nghị: các hãng hàng không nội địa chỉ được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư, máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên). Cục hàng không xem xét không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động, chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không Việt Nam trong thời hạn từ nay đến hết năm 2020; cho đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới; Không cấp bằng, chứng chỉ đối với các phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác.
Căn cứ các quy định pháp luật và chính sách về phát triển thị trường hàng không hiện hành thì Nghị quyết của VNA đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; quyền được tự do làm việc và lựa chọn việc làm của người lao động; thậm chí có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây cản trở đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.
“Trường hợp có sự dịch chuyển lao động từ hãng hàng không này sang hãng hàng không khác là hoàn toàn xuất phát từ quyết định mang tính cá nhân của mỗi người lao động. Nếu có sự tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp những người đang làm trong các hãng khác để quyết định việc làm việc nơi này hay nơi khác thì đó cũng là quyền riêng tư của mỗi người, không thể quy kết đó là do có hành vi dụ dỗ, lôi kéo từ các hãng hàng không khác. VNA chỉ có quyền phản đối, khiếu nại, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có đủ căn cứ cho rằng các hãng hàng không khác có chủ trương, quyết định thu hút, lôi kéo lao động từ VNA sang làm việc cho các hãng hàng không khác và các chủ trương, chính sách đó được thực hiện bởi những người đại diện có thẩm quyền của các hãng hàng không khác. Nếu không có các cơ sở để chứng minh rõ ràng như vậy thì nội dung Nghị quyết đã vi phạm nghiêm trọng quy định luật cạnh tranh bằng việc trực tiếp đưa những thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của các hãng hàng không khác”, luật sư Lê Đình Vinh, đoàn luật sư Hà Nội bình luận.