Niềm tự hào một thủa
Nguyễn Văn An sinh ra trong một gia đình thuần nông không mấy no đủ, An không những là anh cả trong gia đình có ba anh em mà còn từng là niềm hy vọng mãnh liệt của họ tộc Nguyễn Văn. Bởi lẽ, bố An từng tham gia kháng chiến và mang trong mình chất độc da cam.
Ngay khi biết tin mang thai đứa con đầu lòng, bố mẹ An vừa mừng vừa lo, sợ rằng di chứng chiến tranh sẽ làm liên lụy đến đứa con này. Ngày An chào đời và dần khôn lớn, phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác cũng là những ngày bố mẹ An vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy con trai khỏe mạnh.
Do gia cảnh khó khăn, học hết phổ thổng An một mình tự nguyện lặn lội nhiều nơi mưu sinh mong kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ già và gắng để 2 em ăn học. Khoảng 15 năm trước, do sức khoẻ của bố đột ngột yếu, An theo lời mẹ trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Thuận theo ý mẹ, là một chàng trai 23 tuổi đầy sức lực, An cũng lấy vợ sinh cháu cho ông bà nội. Những tưởng cuộc sống cứ như vậy yên bình trôi đi nhưng trớ trêu thay khi niềm vui chưa trọn thì nỗi buồn đã vây bủa.
Chỉ trong khoảng 3 năm sau ngày vui, An bắt đầu có những biểu hiện, hành động không bình thường. An mất ngủ liên miên và luôn cho rằng mọi người không tốt, có ý đồ làm hại mình. Bệnh ngày một nặng, đến khi bản thân không ý thức được sạch, bẩn, thường hay kích động.
“Có bữa con nó đi học về chào bố, nó trợn mắt lên quát “Mày là thằng nào? Bố mày đâu mày chào?” khiến đứa bé khóc tru lên vì sợ. Nó chẳng nhận ra con, thấy khóc lại còn cầm chổi xông ra… may mà mẹ nó bồng đi kịp – bà Đông, mẹ bị cáo mắt trũng đỏ tâm sự - Thế nhưng cũng có lúc nó ôm con khư khư, không cho ai động đến. Nhất là lúc tỉnh, nó yêu chiều con không ai bằng đấy”.
Thương thay, bệnh tình của An ngày một nặng. An không hay đập phá đồ đạc trong nhà nhưng ngoài trạng thái kích động lại có tật hay bỏ đi khiến gia đình nhiều phen tốn công, tốn của đi tìm về. An được đưa đi khám, với chẩn đoán Tâm thần phân liệt buộc phải điều trị tại bệnh viện nhiều lần do tần suất bệnh tái phát ngày một tăng với biểu hiện hội chứng căng trương lực.
Tội ác đến từ nhân cách khác
Ngày An gây ra trọng tội cũng không ai ngờ tới bởi trước giờ An hiền hoà, không thù oán với ai. Thời gian gần đây, trong tâm trí bất bình thường, An luôn có suy nghĩ rằng ông Trần Văn Xạ (88 tuổi) - người hàng xóm, thân thiết như người trong gia đình từ thuở bé là người xấu. An nghĩ ông luôn tìm cách tiếp cận để hãm hại mình nên nảy sinh ý định giết chết ông để “trừ hậu hoạ cho dân làng”.
|
Bị cáo An tại Tòa. |
Theo cáo trạng, vụ án xảy ra vào khoảng 9h sáng ngày 18/4/2012, nhà ông Xạ tổ chức làm cỗ giỗ, sáng đó An cũng đến loanh quanh xung quanh khu vực làm cỗ. Mọi người ai cũng biết An bị bệnh nhưng trước giờ chưa hề phá phách gì nên không để ý tới An. Đúng lúc đó, trong đầu An lại lóe lên ý định phải tìm cách giết ông Xạ.
Với tâm tưởng không tỉnh táo ấy, An mau mắn bỏ đám giỗ chạy về nhà người chú họ gần đó kiếm dụng cụ hỗ trợ dự liệu của mình. Sẵn nhà chú đang không có ai ở nhà, cửa nhà lại không khóa, An chạy thẳng vào trong bếp lấy một con dao rồi quay trở lại. Lúc này tại sân nhà ông Xạ có rất nhiều người, An ngay khi vừa tới đã điên loạn dồn đuổi con trai ông Xạ. Bởi trên tay An lăm lăm con dao sáng loáng nên mọi người ai nấy đều hốt hoảng bỏ chạy.
Thấy mọi người càng hoảng loạn bao nhiêu, An lại như thích thú bấy nhiêu… Chạy cả vòng sân, bất chợt liếc thấy ông Xạ đang ngồi uống nước bình thản không hay biết, An lại như nhớ ra mục đích của mình mà dừng “trò vui” dồn bắt, đổi hướng, chạy ngay tới bàn uống nước nơi có “đối tượng” cùng mấy người hàng xóm đang ngồi, vừa tiến tới An vừa khua khua mấy nhát. Người đàn ông gần 90 tuổi mắt mờ, chân chậm, chưa kịp định hình thì đã lĩnh trọn nhát dao sắc nhọn đâm trúng ngực phải và gục ngay tại chỗ.
Tiếng la hét, sợ hãi của mọi người dường như lôi An về hiện tại. Nhìn người hàng xóm thân quý đổ gục dưới tay mình khiến An hoảng sợ. Y hãi hùng quăng vội con dao và bỏ chạy thục mạng về nhà…
“Cháu biết cháu phạm tội lớn rồi”
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm tại TAND TP. Hà Nội, bà Đông nom có vẻ càng khắc khổ, tiều tụy đi nhiều. Cuộc mưu sinh vốn đã khó nhọc, giờ phải chứng kiến đứa con mang bao hi vọng trở nên tâm thần lại mang tội giết người, để lại vợ con nheo nhóc khiến tim bà như ai xát muối.
Để đỡ An khỏi ngã cũng như trả lời hay nhắc nhở An mỗi khi An không thể nhận thức được những câu hỏi của HĐXX, vợ An, chị Phạm Thị Ký (SN 1976) được cử ngồi cùng An trong suốt cả phiên xử.
Có lẽ cũng vì lý đó mà đôi mắt của người vợ trẻ lúc nào cũng đỏ hoe khi nhìn khuôn mặt ngờ nghệch của người chồng tâm thần mang tội giết người. “Chẳng biết nói gì, tương lai như đổ sập vậy” – chị Ký lí nhí trong hàng nước mắt mỗi lúc hướng về An đang rúm ró trước vành móng ngựa hay thi thoảng lại khua khoắng tay chân một cách không kiểm soát.
Số phận trớ trêu đẩy gia đình đang yên ấm, hạnh phúc vào vòng lao lý, để giờ đây kẻ ở tù, cuộc sống gia đình có mẹ già, vợ trẻ, con thơ bỗng chốc chênh vênh đến đáng sợ mà chưa biết trông cậy vào ai. “Nãy các chú công an tạo điều kiện cho bố con nó gặp nhau, thằng bé háo hức bao nhiêu thì hành xử của nó lại như gáo nước lạnh hắt đi bởi chẳng nhận được con” - bà Đông buồn rầu cho hay.
Trước giờ nghị án, nổi trôi trong những cơn nửa tỉnh, nửa mê, khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, An vẫn ngồi đó trước vành móng ngựa, mặt cúi gằm. Bất chợt y siết chặt cánh tay người vợ đang thẫn thờ mà khóc tu tu như một đứa trẻ, sợ hãi đến run rẩy: “Cháu biết cháu phạm tội lớn rồi, mong tòa cho cháu về với con cháu….” – lời thỉnh cầu ấy tựa như thốt lên từ quãng lý trí tỉnh táo đang ngày một bị xâm lấn bởi những cơn mê man.
Phiên xử diễn ra chóng vánh vượt sức tưởng tượng. Gia đình bị hại cảm thông mà tha thứ và chủ động xin giảm án cho kẻ đang ngây ngơ trước vành móng ngựa. Phần vì lời khai của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với kết quả thực nghiệm hiện trường cùng với những người làm chứng tại phiên tòa, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn An 10 năm tù về tội “Giết người”.
Vậy là chỉ vì một phút lơ là mà giờ đây một gia đình “giỗ chồng giỗ”, đau thương, tang tóc bao trùm; Hơn cả nỗi bí bách khi người con, người chồng, người hàng xóm rơi vào tù tội là nỗi lo lắng thẳm sâu về những biến chứng di truyền ngày sau trong thế hệ kế cận. Cứ nghĩ chuyện ảnh hưởng di chứng da cam bỗng dưng bộc phát không báo trước, gia đình nhỏ lại lặng thinh như sợ rằng nếu trót hé môi, có thể sẽ khiến đứa trẻ 8 tuổi kia mang mầm di truyền tai ác…
Câu chuyện là bị cáo mất năng lực hành vi trong lúc phạm tội, nên hy vọng pháp luật sẽ mở cho An một đường về để chữa bệnh và làm lại cuộc đời vốn đã quá nhiều nỗi chông chênh…/.