Phía sau sự kiện hàng triệu phụ nữ Ấn Độ tạo bức tường sống

(PLVN) - Ở bang Kerala của Ấn Độ hiện đang có chuyện chưa từng thấy trong lịch sử quốc gia này. Ở châu Âu, chuyện hàng triệu người cùng nhau tạo nên bức tường dài vốn không phải là chuyện hiếm. Nhưng ở Ấn Độ thì xưa nay chưa hề có, lại càng đặc biệt hơn khi tất cả người tham gia đều là phụ nữ. 
“Bức tường sống” dài nhiều km hình thành ở Ấn Độ
“Bức tường sống” dài nhiều km hình thành ở Ấn Độ

Tờ nhật báo Ấn Độ India Times cho rằng có đến 5 triệu phụ nữ Ấn Độ tham gia. Kết quả là một bức tường gồm phụ nữ Ấn Độ dài nhiều km xuyên dọc ngang bang này đã hình thành. Những người tham gia thể hiện thái độ phản đối những lực lượng tôn giáo cực đoan và bảo thủ ngăn cản phụ nữ Ấn Độ bước vào những ngôi đền thiêng của người Hindu ở Ấn Độ. Họ đấu tranh đòi công bằng xã hội.

Ở đây lại có chuyện tranh đấu sống mái giữa luật và lệ. Cho tới tận mới đây, trên thực tế đã như thế và luật pháp chẳng hề can thiệp gì, phụ nữ Ấn Độ từ độ tuổi dậy thì bị cấm bước vào những ngôi đền thờ thiêng của người Hindu.

Cùng theo tín ngưỡng như nhau, mà việc thực thi tín ngưỡng lại không như nhau, đàn ông thì được mà phụ nữ lại không được. Sự bất công và phân biệt đối xử này đã trở thành lệ bất thành văn mà lại có uy lực gần như tuyệt đối ở Ấn Độ. 

Theo thời gian, những ngôi đền linh thiêng về tôn giáo và tín ngưỡng kia đã được coi mặc nhiên là thế giới của đàn ông và chỉ dành riêng cho đàn ông. Chỉ là lệ thôi mà nó lại được những người đàn ông vận dụng như luật. Họ viện dẫn những truyền thuyết còn lưu lại được từ xa xưa để lập luận và biện minh cho giá trị tâm linh và “pháp lý” của lệ.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều tôn giáo khác nhau chung sống
Ấn Độ là quốc gia có nhiều tôn giáo khác nhau chung sống

Mới đây, tòa án tối cao ở Ấn Độ đã đưa ra phán xử rằng việc ngăn cản này là vi phạm những quy định của luật pháp hiện hành ở Ấn Độ về bình đẳng giới và bình đẳng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng. Tòa đưa ra phán quyết cấm ngăn cản phụ nữ bước vào những ngôi đền linh thiêng. 

Tòa thực thi pháp luật và phán xử của tòa có giá trị như luật. Như thế có nghĩa là tòa đã lật bỏ cái lệ kia, coi nó trái với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, những lực lượng tôn giáo cực đoan và bảo thủ vẫn tiếp tục ngăn cản phụ nữ bước vào những ngôi đền linh thiêng.

Vì thế nên mới có cuộc đấu không khoan nhượng này giữa luật và lệ. Nó quyết liệt đến mức cả bạo lực cũng đã được sử dụng và xảy ra chuyện chưa từng thấy là cả triệu người phụ nữ đồng loạt cùng nhau lên tiếng và hành động phản đối, bảo vệ những quyền chính đáng của họ.

Cuộc đấu này không chỉ phân định việc phụ nữ được bước vào những ngôi đền linh thiêng, mà còn phản ánh và phân định thắng bại trong cuộc đấu giữa luật pháp của nhà nước pháp quyền và những quy định bất thành văn của tôn giáo. Nó biểu hiện cho mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo trong thế giới hiện đại ở Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều tôn giáo khác nhau chung sống. Sự chung sống này xưa nay luôn không suôn sẻ và hoà bình. Vì thế, kết quả của cuộc thư hùng giữa luật và lệ kia sẽ có tác động rất quyết định tới mối quan hệ của nhà nước với các tôn giáo khác ở Ấn Độ.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, nhà nước pháp quyền coi trọng mọi tôn giáo và thực thi bình đẳng giới cũng như bình đẳng tôn giáo và tín ngưỡng. Nhà nước pháp quyền không đứng trên tôn giáo và không áp đặt tôn giáo mà đóng vai trò dung hoà giữa các tôn giáo. Vì thế không thể có chuyện tôn giáo đứng trên và chi phối nhà nước trong nhà nước pháp quyền. 

Cũng bởi thế mà cuộc đấu giữa luật và lệ này không chỉ xử lý một vụ việc riêng rẽ mà mang tính nguyên tắc đối với đất nước Ấn Độ. Lệ phải lụy luật chứ không thể chi phối luật, lại càng không được lật luật, thì nội bộ xã hội mới có thể có được ổn định và yên bình bền vững.

Sự kiện mang tên “Bức tường phụ nữ” hoặc Vanitha Mathill đã thu hút nhiều triệu phụ nữ mọi độ tuổi và mọi tầng lớp xã hội tham gia. Họ xếp thành bức tường người dài hơn 600km. Đây có thể là sự kiện xếp hàng người lớn nhất thế giới. Sự kiện xếp hàng diễn ra trong 15 phút và những người tham gia cam kết sẽ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và đấu tranh chống bạo lực.

Đọc thêm