Vai trò trẻ em trong hoạt động chính trị - xã hội
Tháng 9/2023, lần đầu tiên Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em diễn ra ngay tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội). Cũng như ở lần tổ chức đầu tiên, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II - năm 2024 khép lại với việc thông qua Nghị quyết, báo cáo kiến nghị của các đại biểu về thực trạng, giải pháp của hai vấn đề “nóng” bạo lực học đường và thuốc lá điện tử sẽ là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách, pháp luật về những vấn đề liên quan.
Có thể nói, Quốc hội trẻ em là một trong những hình thức mà người lớn, tôn trọng tiếng nói của trẻ em. Những tiếng nói, đề xuất của trẻ em sẽ xuất phát từ chính ước mong, nguyện vọng trong sáng của các em. Dù chỉ là giả định, đóng vai nhưng các em sẽ mang tâm thế của đại biểu Quốc hội và các giải pháp, đề xuất là của chính các em. Đây là một mô hình hoạt động mới mẻ, tạo cơ hội trải nghiệm quý giá cho trẻ em tại cơ quan quyền lực cao nhất nước. Qua đó, trẻ em được được tạo điều kiện phát huy năng lực tiềm ẩn, rèn giũa kỹ năng nêu quan điểm, tham gia vào quá trình ra quyết định.
Phát biểu tại Phiên họp giả định lần II năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh, đánh giá cao T.Ư Đoàn và Hội đồng Đội T.Ư đã có sáng kiến tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị - xã hội. Khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức, vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Phiên họp thứ nhất năm 2023, một số kiến nghị của trẻ em đã được các Bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra. Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Vì vậy, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II đã lựa chọn hai chủ đề này là rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm. Sau Phiên họp thứ nhất năm 2023, một số kiến nghị của trẻ em đã được các Bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi rất ấn tượng về sự thể hiện của các cháu, dù nhỏ tuổi nhưng các cháu đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng; Quốc hội, Chính phủ và các ban, Bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra những vấn đề cụ thể: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của trẻ em đã nêu tại Phiên họp năm 2024…
“Chúng tôi trân trọng tiếp thu ý kiến của các em để hoàn thiện các chính sách”
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với các em học sinh tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 năm 2024. (Ảnh: MOET) |
Phát biểu sau khi lắng nghe phiên chất vấn tại Quốc hội trẻ em 2024, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: “Chủ đề các em lựa chọn là chủ đề rất nóng bỏng hiện nay. Đặc biệt xuất phát từ lắng nghe từ chính các em học sinh, các trường học”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Y tế, việc sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, rượu bia, chất ma túy, đe dọa rất lớn tới sức khỏe trẻ em cũng như chất lượng dân số, giống nòi. Bà Lan cho rằng, qua phiên họp giả định, càng khẳng định các đề xuất của Bộ Y tế trong việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đi đúng hướng khi có tới 78,27% các em tham gia khảo sát thống nhất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Sau khi đặt câu hỏi với đại biểu Quốc hội trẻ em và cả 306 đại biểu đều thống nhất với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Y tế bày tỏ: “Điều này thể hiện mong muốn của trẻ em và cần được các cơ quan Nhà nước nghiên cứu một cách nghiêm túc. Làm chính sách dựa trên thực tiễn và hướng tới thế hệ tương lai”…
Bộ trưởng Y tế nói sẽ tiếp thu các góp ý để hoàn thiện, tham mưu cơ chế, chính sách quản lý trong thời gian tới. “Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội khóa XV lắng nghe, tiếp thu ý kiến các em khi thông qua quyết sách giải quyết vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi. Quan trọng hơn là để chúng ta có thế hệ mầm non, thanh niên khỏe về thể chất và tâm hồn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”, bà Lan bày tỏ.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Lan cho biết: “Năm vừa qua chúng tôi thống kê được hơn 1.000 trường hợp như vậy và các em cũng có những di chứng rất lâu dài đến sức khỏe”. Bộ trưởng phân tích, người sản xuất các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chính sách tiếp thị khách hàng mới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, rất tinh vi thông qua mẫu mã, mùi hương…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất kích thích khác đối với trẻ em là vô cùng nghiêm trọng. “Chúng tôi đã cấp cứu rất nhiều trẻ em liên quan đến vấn đề hoảng loạn, ảo giác, suy các bộ phận nội tạng. Chúng tôi trân trọng tiếp thu ý kiến của các em để hoàn thiện các chính sách, giải pháp ngăn chặn tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và trình Chính phủ, Quốc hội thời gian tới”, người đứng đầu Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hai chủ đề được thảo luận tại phiên họp năm nay cũng là hai chủ đề “nóng”, từng được nhiều đại biểu đề cập trên diễn đàn Quốc hội. Những kiến nghị từ phiên họp sẽ được tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như trong hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016.
Ngay tại Diễn đàn Quốc hội Trẻ em 2024, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng hỏi ý kiến các em, đề nghị các em “biểu quyết” nên “cấm” hay “không cấm” đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vì vậy, chắc chắn ý kiến, kiến nghị của các em rất được quan tâm, lắng nghe, tiếp thu khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật về những vấn đề liên quan.
Những kiến nghị của đại biểu trẻ em đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết phiên họp, trong đó nêu rõ: Quốc hội trẻ em sẽ trình Nghị quyết này tới Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương. Quốc hội trẻ em mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm; góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả các quyền và bổn phận của trẻ em.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa - Phó Trưởng Ban Tổ chức Phiên họp giả định, ở mỗi lần tổ chức tiếp theo, các cơ quan nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Đồng thời, cũng phải phản hồi về việc giải quyết kiến nghị của trẻ em ở các phiên họp trước. Muốn làm được điều đó, các cơ quan, đại biểu sẽ phải khảo sát, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc xử lý, giải quyết kiến nghị của trẻ em; phải có nhiều tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao hơn đối với sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của đất nước.
Có thể nói, dù chương trình Quốc hội trẻ em sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày và chỉ một số lượng nhỏ trong hàng chục triệu trẻ em cả nước được chọn tham gia. Thực tế, các em cần có quyền được nói, quyền được người lớn lắng nghe hàng ngày, bằng sự tôn trọng, ở trong những “Hội trường Diên Hồng” từ mỗi mái nhà và ngôi trường, nơi mỗi đứa trẻ đang mỗi ngày bước tới tương lai…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định những vấn đề được chất vấn trong Phiên họp giả định không phải giả định mà là ý kiến thật, vấn đề thật. Bộ trưởng đánh giá cao sự bày tỏ thái độ, sự hiểu biết của các em từ góc độ những người trong cuộc và những người quan tâm thông tin về vấn đề bạo lực học đường.
Trong đó, thống nhất khẳng định dứt khoát, trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực học đường, không có chỗ cho tệ nạn và nguy cơ với học sinh. Bộ trưởng cũng gửi gắm, sau Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, quay về vai trò người thực hiện, các em sẽ làm nhiều việc hơn triển khai trong thực tế, cần phải làm gì để tự mình góp phần vào giải quyết câu chuyện của chính mình, câu chuyện của bạo lực học đường.
“Ai làm tốt việc người đó, từ các thầy cô hiệu trưởng, các thầy cô chủ nhiệm, tư vấn tâm lý làm hết trách nhiệm của mình; văn hoá học đường làm tốt; pháp luật được thực thi… chúng ta sẽ từng bước, từng bước đẩy lùi được bạo lực học đường, xây dựng môi trường hạnh phúc - là môi trường thực tế đang có của chúng ta”, Bộ trưởng nhấn mạnh.