Philippines: Kỳ vọng mang tên 'Dutertenomics'

(PLO) - Theo Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez, một đất nước có nhiều đảo như Philippines, thì cơ sở hạ tầng yếu kém “đang làm suy yếu” nền kinh tế.
Chiến lược "Dutertenomics” có mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 14% đến năm 2022 thông qua tạo việc làm và đầu tư vào nguồn nhân lực
Chiến lược "Dutertenomics” có mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 14% đến năm 2022 thông qua tạo việc làm và đầu tư vào nguồn nhân lực

Phát triển bền vững

Thực tế cho thấy, trong thập kỷ qua khi Philippines không chú trọng tới phát triển cơ sở hạ tầng đất nước trong khi các quốc gia láng giềng đã nhanh chóng xây dựng cho mình cơ sở vững chắc. Điều này khiến Philippines dần mất đi sức cạnh tranh của mình. Vì vậy, cùng với các bộ, ngành như tài chính, ngân sách, giao thông vận tải, công trình công cộng, phát triển kinh tế, 6 cơ quan chính phủ liên quan tới cơ sở hạ tầng đã cùng nhất trí về chiến lược “Dutertenomics”. 

Chiến lược “Dutertenomics” được đặt theo tên của Tổng thống Rodrigo Duterte. Từ khi nhậm chức vào tháng 6/2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề ra chính sách đầu tư hạ tầng, thúc đẩy triển khai các dự án chủ chốt theo phương thức PPP (Nhà nước và nhân dân cùng làm) mà chính phủ tiền nhiệm để lại.

Trong chiến lược “Dutertenomics”, chính phủ Philippines cũng chú trọng tới mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 14% đến năm 2022 so với mức 21,6% trong năm 2015, thông qua biện pháp tạo việc làm và đầu tư vào nguồn nhân lực. Ngoài ra, chính phủ Philippines sẽ tập trung thực hiện và hoàn tất tới 55 dự án quan trọng và mang tính đổi mới trước năm 2022, nhằm đưa Philippines hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu này chiếm 7% GDP của Philippines, trị giá khoảng 160 tỷ USD. Người dân hy vọng việc đầu tư xây dựng hạ tầng sẽ làm “thay da đổi thịt” đất nước Philippines.

Hiện Philippines đứng thứ 95/144 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng. Chính sự thụt lùi này đã khiến Philippines thiệt hại từ 30 đến 37 tỷ USD mỗi năm. 

Nỗ lực của Tổng thống Duterte

Dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) thường bị gọi là các dự án trình bày (Power-Point Presentations). Vì các dự án này được cho là đẹp đẽ về mặt hình thức song trên thực tế không được quan tâm xúc tiến nhanh gọn. Kể từ năm 2010 đến khi rời vị trí Tổng thống năm 2016, ông Aquino chỉ thực hiện được hơn 10 dự án PPP trị giá 4,2 tỷ USD, để lại cho người kế nhiệm hơn 50 dự án PPP đang ì ạch cần phải đẩy nhanh tốc độ với chất lượng hạ tầng ở mức thấp nhất trên thị trường mới nổi.

Chính vì vậy mà các nhà đầu tư hy vọng, Tổng thống Duterte có thể thúc tiến độ các dự án hạ tầng giao thông nhanh hơn so với người tiền nhiệm. Ngay trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 25/7/2016, ông Duterte đã cam kết khắc phục các vấn đề kinh tế, cải tổ hạ tầng, tăng cường xây dựng đường sá, cầu và đường sắt mới. Các cam kết của chính quyền Tổng thống Duterte trong việc tiến hành các cải cách kinh tế theo Nghị trình 10 điểm được cho là sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Điều này có thể thấy trong kế hoạch phát triển các dự án cơ sở hạ tầng mà chính phủ mới đề ra. Theo đó, kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2017 cho cơ sở hạ tầng sẽ là 861 tỷ Peso (17,3 tỷ USD), chiếm 5,4% trong tổng chi tiêu ngân sách của năm - tăng 13,8% so với ngân sách năm 2016.

Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tới Philippines hồi tháng 3/2017, Tổng thống Philippines Duterte cũng đã thể hiện rõ nỗ lực thực hiện chiến lược này, khi tăng cường sự hợp tác với Trung Quốc, một khách hàng tiềm năng của Philippines trong lĩnh vực nông sản và thủy sản, và là “nhà xây dựng”,“nhà tài trợ” cho các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 6 năm bao gồm các khoản vay, hỗ trợ nghiên cứu khả thi, trợ cấp cho xây dựng cầu, một khu công nghiệp Philippines - Trung Quốc, đập, đường sắt và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp… Trung Quốc cũng cam kết tài trợ cho ít nhất ba dự án cơ sở hạ tầng của Philippines trị giá 3,4 tỷ đôla Mỹ, trong đó có hai dự án cơ sở hạ tầng có thể được triển khai vào nửa đầu năm 2017.

Giới phân tích cho rằng, ông Duterte là con người của hành động, nên nhiều người hy vọng ông sẽ thúc đẩy thực hiện nhanh chóng các dự án hạ tầng, nhằm thu hút đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế vốn trì trệ trong nhiều năm qua của Philippines. 

Đọc thêm