Philippines và Trung Quốc từ lâu đã có tranh chấp chủ quyền đối với một số hòn đảo và bãi cạn trên biển Đông. Năm 2012, sau một cuộc giằng co kéo dài, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Trung Quốc còn tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển Đông theo hướng có lợi cho các tuyên bố chủ quyền của nước này bằng cách xây dựng các hòn đảo mới và một số cơ sở hạ tầng tại các đảo đang tranh chấp.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mới đây, Philippines đã đề xuất tìm cách cấm tất cả các hoạt động xây dựng trên biển Đông nhưng đề xuất này đã không được thông qua và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tiến hành cải tạo đất, đá tại khu vực này, bất chấp sự phản đối của Philippines và các nước khác.
Trong một động thái mới nhất nhằm phản bác các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc, Philippines ngày 11/9 đã khai mạc một triển lãm bản đồ cổ về biển Đông. Theo Reuters, được đưa ra tại triển lãm lần này của Philippines có những tấm bản đồ cho thấy: “Từ thời đại nhà Tống vào năm 960 cho đến cuối nhà Thanh vào những năm đầu của thế kỷ 20, cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc luôn là đảo Hải Nam nằm ở ngay bờ biển của Trung Quốc”.
Những tấm bản đồ được đưa ra trưng bày tại cuộc triển lãm lần này cũng lưu ý rằng bãi cạn Scarborough – vùng lãnh thổ tranh cãi quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Philippines – không xuất hiện trên những tấm bản đồ có từ trước năm 1636. Và trong những tấm bản đồ được xuất bản sau năm này, bãi cạn này được thể hiện là lãnh thổ của Philippines.
Triển lãm lần này được thực hiện nhằm phản bác tuyên bố của Trung Quốc rằng các tuyên bố chủ quyền của nước này dựa trên các sự thực lịch sử. Với việc tổ chức cuộc triển lãm, giới chức Philippines đang cố gắng vạch rõ điều mà họ cho là “những lời nói dối lịch sử” như lời của Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận định.
Cuộc triển lãm diễn ra sau khi Trung Quốc hồi đầu mùa hè công bố tấm bản đồ chính thức mới của nước này, trong đó nâng cấp đường tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông gồm 10 đoạn thay vì 9 đoạn như trước kia. Bình luận trên tờ The Diplomat, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ankit Panda nhận định động thái mới nhất của Philippines là việc chấp nhận cuộc chơi “chiến tranh bản đồ” của Trung Quốc, hay nói cách khác là dùng lửa để dập lửa.
Với những hành động gần đây như đề xuất tại ARF hay việc đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài Liên Hợp quốc ở The Hague, Philippines cho thấy nước này đang xử lý tranh chấp với Trung Quốc một cách rất nghiêm túc. Việc lựa chọn tiến hành một “cuộc chiến bản đồ” của Philippines có thể sẽ không có tác dụng với những động thái khiêu khích thực tế của Trung Quốc trên biển Đông nhưng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thông tin của Chính phủ Philippines.
Thêm vào đó, việc làm này cũng cho Philippines sẵn sàng “chơi trò chơi” mà Trung Quốc khơi mào. Việc này không bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines bằng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay các thông lệ quốc tế. Song, nó gửi thông điệp rằng chính quyền Philippines bác bỏ các lời biện minh lịch sử theo thuyết hồi phục lãnh thổ của Trung Quốc.