Phim ngắn gióng lên hồi chuông cảnh báo tội phạm xâm hại tê tê

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, trong đó có tê tê đã và đang diễn ra nhức nhối trên thế giới và cả ở Việt Nam. Mỗi năm, riêng tại Việt Nam có hàng nghìn cá thể tê tê bị săn bắt, khiến loài động vật quý hiếm này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Phim ngắn gióng lên hồi chuông cảnh báo tội phạm xâm hại tê tê

Theo báo cáo gần đây của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), tê tê là động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên toàn thế giới. Gần 900.000 cá thể tê tê được cho là bị buôn bán trái phép tại Đông - Nam Á trong suốt hai thập niên qua.

Theo thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam có 1.504 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD. Cũng theo thống kê đó, từ năm 2003 đến năm 2019, có 5.853 cá thể tê tê và 35,15 tấn vảy tê tê bị thu giữ tại Việt Nam.

Tê tê đang là loài động vật được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật pháp Việt Nam. Với nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi năm đã có hàng chục đối tượng liên quan mua bán, săn bắt tê tê bị bắt giữ, xử lý. Trong đó có những đường dây mua bán xuyên biên giới, xuyên quốc gia.

Điển hình, tháng 1.2020, Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã tiến hành xét xử vụ án mua bán 215 cá thể tê tê chuyển từ Lào về Việt Nam, với tổng mức án lên tới 21 năm tù, phạt tiền lên tới 300 triệu đồng đối với các đối tượng cầm đầu.

Tuy nhiên, thời gian qua thực tế vẫn ghi nhận nhiều vi phạm liên quan tới tê tê, cả online quảng cáo rao bán lẫn tàng trữ nuôi nhốt.

Với mục đích giúp cộng đồng hiểu hơn về pháp luật và các rủi ro pháp lý nếu vi phạm pháp luật về ĐVHD nói chung và với tê tê nói riêng, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã làm đoạn phim ngắn mới liên quan đến xử lý tội phạm liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, buôn bán tê tê trong thời gian qua.

Phim ngắn tổng hợp các bản án dành cho các đối tượng vi phạm tới tê tê. Qua đó có thể thấy trong bối cảnh tê tê là loài động vật được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật pháp Việt Nam, các hành vi xâm hại đến loài ĐVHD này sẽ bị nghiêm trị nghiêm khắc để răn đe.