Phim truyền hình Việt Nam 2017 - Bức tranh sinh động

(PLO) - Những năm trước đây, khán giả không hứng thú với phim truyền hình Việt bởi chất lượng phim không còn được tốt. Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt cũng phải chịu sự cạnh tranh từ những bộ phim nước ngoài, các bộ phim chiếu online hay từ truyền hình thực tế... Nhưng dường như, năm 2017, bức tranh truyền hình Việt đã chuyển màu từ u ám sang sinh động hơn. 
Cảnh phim "Thương nhớ ở ai"
Cảnh phim "Thương nhớ ở ai"

Kịch bản tốt, đạo diễn có nghề

Phim truyền hình Việt năm qua có nhiều khởi sắc, chạm được trái tim người xem. Năm 2017, khán giả đã được thưởng thức một loạt phim truyền hình hấp dẫn như: “Người phán xử”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Vực thẳm vô hình”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Ghét thì yêu thôi”, “Ngược chiều nước mắt”, “Thương nhớ ở ai”, “Cả một đời ân oán”…

Các bộ phim được người xem bình luận rôm rả trên truyền thông, trang mạng xã hội ra cả đầu chợ, ngoài ngõ. Các bộ phim đa dạng, phong phú về nội dung kịch bản. “Người phán xử” là một bức tranh chân thực, khốc liệt về cuộc chiến giành quyền lực trong thế giới ngầm của giới giang hồ hiện đại và hành trình chống tội phạm của cơ quan chức năng. “Lặng im dưới vực sâu” lại là bộ phim tâm lý tình cảm về đề tài miền núi. Những câu chuyện đời thực ấm áp, chân chất, những nỗi đau giằng xé mà những nhân vật này chịu đựng trên bối cảnh là cánh đồng hoa tam giác mạch.

Kịch bản phim được xây dựng từ nền văn hóa Mông đầy bản sắc cùng những nhân vật cá tính, sống quyết liệt với khát vọng giành lấy tình yêu đích thực cho mình. Kể câu chuyện về làng quê Việt Nam xưa, “Thương nhớ ở ai” khắc họa rõ nét số phận bi kịch người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, những người đàn bà phải sống trong cảnh lẻ loi, bị trói buộc bởi các định kiến, luật lệ cổ hủ, hà khắc, chôn vùi khao khát hạnh phúc bản thân. Từ đó, họ trở nên khắt khe, làm khổ nhau hơn…

Có thể thấy, các bộ phim trên đã được đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản tốt, diễn viên xuất sắc, đạo diễn có nghề. Ngoài kịch bản Việt, để phong phú “món ngon”, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã “chịu chơi” mua bản quyền để Việt hóa “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Cả một đời ân oán”. Việt hóa lại các kịch bản phim “hot” quốc tế tạo phim có cách kể chuyện nhanh, hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, bất ngờ không thể đoán trước, đã cuốn hút hàng triệu khán giả.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC cho hay: “Với kịch bản phim quốc tế, chúng tôi phải mất vài năm nghiên cứu và thực hiện. Các yếu tố khác biệt về lối sống, văn hóa giữa các quốc gia đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh tình trạng khán giả cảm nhận mình đang xem phim nước ngoài”. 

Điều mà các nhà sản xuất phim chú tâm tới đó là bối cảnh và phục trang. Ví như, “Thương nhớ ở ai” được đầu tư bối cảnh, diễn viên, kĩ xảo cùng những khảo cứu về thời đại, trang phục cùng chi phí khủng. Phim lấy bối cảnh quá khứ đều phải đối mặt với thực tế đô thị hóa đã xóa gần hết những dấu vết kiến trúc xưa cũ, khiến việc sản xuất phim ngày càng trở nên rất khó khăn, đắt đỏ. Để làm được ra chất nông thôn Bắc Bộ trong “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã phải chọn bối cảnh từ hàng chục cái làng.

Sau khi quay xong, đoàn làm phim đã phải xử lý kỹ xảo cho 2.000 cảnh, nên phải mất 3 năm phim mới ra mắt được khán giả. Để bảo đảm tính chân thực của phim, người phụ trách phần phục trang - họa sĩ Nguyễn Dũng Minh cẩn thận đi tìm tư liệu, những bức ảnh cũ về thời kỳ ấy, thậm chí, anh hỏi chuyện các cụ cao tuổi ở vùng quê, từ đó biết về công dụng chiếc yếm: các bà, các mẹ mặc yếm ở nhà, lúc bắt cá, gánh nước hay làm đồng; họ chỉ khoác thêm áo cánh khi tiếp khách, hay đi đến chốn đông người.

Tương tác “tấn công” mạnh tới khán giả

Ngoài nội dung, kịch bản phim hay, phim truyền hình Việt đã có “cú hích” mới khi “tấn công” mạnh vào việc tương tác với khán giả. Các fanpage của phim hoạt động mạnh, thu hút fan, đồng thời liên tục có những trò chơi gợi mở về nội dung phim, gây tò mò cho khán giả, lắng nghe ý kiến của khán giả. Tận dụng các kênh viral thông qua mạng xã hội để tăng sức lan tỏa cho phim, tương tác qua lại với khán giả. Có thể minh chứng qua hai bộ phim đình đám “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” đã thăm dò ý kiến khán giả để “biến hóa” kết phim cho đẹp lòng… thiên hạ.

Nhà sản xuất sẵn sàng chiều chuộng người xem khi thực hiện những tập phim kết đặc biệt, không ngại quay thêm khi phim có nguy cơ bị rò rỉ nội dung. Khán giả thậm chí có thể inbox, chat trực tiếp với đạo diễn để trao đổi điều mình không vừa ý hoặc vừa ý. Khán giả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tác động tới diễn biến của bộ phim, thay đổi tình tiết dự tính, kết phim. Và sự chiều chuộng ấy được đền đáp khi hàng triệu khán giả sẵn sàng ngồi “ôm” ti vi. Và điều này giúp cho nhà sản xuất có thể thu được vài tỉ đồng quảng cáo.

VFC đã đầu tư để các phim truyền hình được quay với máy quay HD. Bên cạnh đó, một số thiết bị quay mới như fly- ing-cam (thiết bị bay có gắn máy quay), steading-cam (máy quay ổn định hình)… cũng được đưa vào sử dụng để có những khuôn hình, cảnh quay đẹp, bắt mắt. Hoài bão của các nhà làm phim là xuất khẩu phim truyền hình.

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, “Người phán xử” đạt chuẩn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật, có thể mở ra hướng xuất khẩu phim Việt sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đó chỉ là ước mơ. Một bộ phim truyền hình Việt thường được chi khoảng 120 - 130 triệu đồng/tập phim 45 phút, trong khi các phim nước ngoài toàn chi hàng chục tỷ đồng cho một tập phim.

“Để đưa phim Việt ra thế giới ngay lập tức thì không thể. Chúng ta phải có kịch bản tốt với một đề tài không quá dị biệt, sau đó là chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, đồng thời phải hình thành đội ngũ tiếp thị sản phẩm chuyên nghiệp” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.