Phim về đồng tính lấy được nước mắt khán giả

(PLO) - Cái thời mà những hình ảnh về đồng tính chỉ xuất hiện một cách mờ nhạt trên truyền thông, hay thi thoảng hài kịch vẫn mang vấn đề giả gái ra để gây hài đã qua. Giờ là lúc những nhà làm phim chính thống kịp cho ra đời những tác phẩm điện ảnh về đồng tính mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Canhnr trong phim "Yêu"
Canhnr trong phim "Yêu"
Chín muồi thời điểm
Chuyện của 10 năm về trước đối với đề tài đồng tính, chính là câu chuyện chỉ để câu khách, kích thích tính tò mò và mang lại giá trị gây hài, giải trí. Thế nhưng, bây giờ đề tài điện ảnh đồng tính đã mang lại một tầm ảnh hưởng mới. 
Trước bộ phim “Yêu” đang được công chiếu ở rạp và nhận được nhiều ý kiến phản hồi ủng hộ, tán dương của công chúng về nội dung hay, hấp dẫn cùng lối diễn xuất đi sâu vào lòng người, đã có bộ phim đầu tiên đầy nghiêm túc về đồng tính, đó là “Hot boy nổi loạn”. “Hot boy nổi loạn” đưa đến cho khán giả một cảm nhận, một ý niệm đầy đủ hơn về vấn đề đồng tính. Đó cũng là một bộ phim về một mối tình đồng giới đẹp, cảm động và nhận được sự cảm thông của số đông.
Và cũng chính là “phát súng” mở đầu cho những ý tưởng điện ảnh về chủ đề đồng tính tiếp theo. Cụ thể là, sau khi bộ phim thành công thì cũng đã có liên tiếp những sản phẩm điện ảnh về chủ đề đồng tính được ra đời như: “Lạc giới”, “Cầu vồng không sắc”…
Khi điện ảnh đưa đề tài đồng tính vào, biến nó thành một phần trong hơi thở của cuộc sống thì người xem cũng có thể hiểu sâu sắc hơn về vấn đề giới tính thứ 3.  Những người thế giới thứ 3 cũng có những suy nghĩ, cảm nhận và khao khát được sống một cách bình thường. Từ đấy, khán giả hiểu nhiều hơn, cảm nhận rõ hơn rằng giới tính thứ 3, họ cũng có những mảng sáng tối, cũng cần được cảm thông, chia sẻ chứ không phải cứ là trò cười cho người khác mãi được. Đấy cũng là lí do để những chi tiết lấy vấn đề giả gái trên sóng truyền hình dần dần biến mất.
Biến một đề tài bị chế giễu, bỡn cợt bấy nhiêu lâu trở thành có giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục con người đi theo một hướng nhìn nhận văn minh, khách quan hơn. Đó có thể là một thành công của điện ảnh. Thành công này được xem là chín muồi về thời điểm khi mà xã hội Việt Nam nói chung và pháp luật nói riêng đã có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề đồng tính và chuyển giới. 
Tránh sa vào sự lạm dụng
Còn nhớ, đọc được đâu đó bình luận của một thành viên trên diễn đàn về một bộ phim đồng tính rằng: “Thật sự thì những người đồng tính họ không quái đản, nực cười, cũng chả phải ghê ghê như trong phim diễn tả đâu”. Thế mới nói ngoài hiếm hoi những bộ phim đồng tính nghiêm túc và chạm vào lòng người thì cũng đã có những bộ phim làm quá vấn đề lên, và tạo nên sự lệch lạc không đáng có. 
Có một dạo, hầu hết các phim có nhân vật người đồng tính ở Việt Nam đều khai thác mẫu hình nhân vật này dưới “mô típ” những người có ngoại hình và tính cách ẻo lả giống đàn bà. Nhân vật có những hành vi theo đuổi những người đàn ông khác một cách lộ liễu và thiếu nghiêm túc, hay có những đức tính tiêu cực như chua ngoa, đanh đá... thậm chí là “bệnh hoạn” nhằm mục đích gây cười và trở thành yếu tố “câu khách” cho bộ phim của mình.
Tuy nhiên, việc này nhiều khi gây ra tác dụng ngược, làm cho khán giả thấy phản cảm và lố bịch, thậm chí “ghê sợ”. Trong khi đó, việc phản ánh đúng cuộc sống thực tế, suy nghĩ và tình cảm, trăn trở và khát khao của những người đồng tính lại không được coi trọng một cách thấu đáo. Điều này đã góp phần khiến dư luận xã hội có cái nhìn sai lệch, thêm phần ác cảm và kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người đồng tính. 
Một số đạo diễn cũng thừa nhận thực tế này và cho rằng nên có những bộ phim thể hiện người đồng tính một cách đúng đắn và nghiêm túc hơn cho dù chỉ là vai phụ.  Và những bộ phim đã phải nhận sự phản đối của khán giả khi vấp phải sai lầm, tư tưởng lệch lạc đấy phải kể đến như: “Nàng men, chàng bóng” hay “Cảm hứng hoàn hảo”...
Cảnh phim "Nàng men, chàng bóng"
Cảnh phim "Nàng men, chàng bóng" 
Bên cạnh đó, chúng ta nhắc đến đỉnh cao thành công của phim đồng tính, chính là bộ phim tài liệu được phát hành thương mại “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”. Bộ phim tạo nên một sự đồng cảm sâu sắc trong khán giả về đồng tính nam; lấy được nước mắt của nhiều khán giả khi họ nghe được những lời tâm sự, suy nghĩ thành thật về cuộc đời, tình yêu, mơ ước… những khắc nghiệt của cuộc sống mà những người đồng tính nam phải đối mặt. Bộ phim chính là dấu mốc thay đổi cục diện về tính nghệ thuật trong phim đồng tính, khiến cho các sản phẩm điện ảnh đi theo đề tài ấy tiến lên một bậc mới – đạt ngưỡng nghệ thuật, nhân văn cao cả.
Nghệ thuật thứ 7 là thứ nghệ thuật dễ chạm được đến xúc cảm của người xem nhất. Từ đấy, khi một bộ phim về những người giới tính thứ 3 đạt ngưỡng nghệ thuật cũng là lúc bộ phim khiến người xem cảm nhận được hết cuộc sống của họ. Đấy cũng chính là lí do vì sao ngày càng có nhiều bộ phim thành công khi khai thác về đề tài đồng tính. 
Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại một điều rằng, đồng tính là chủ đề liên quan đến con người thì sẽ là chủ đề của điện ảnh. Vì rằng, điện ảnh tiếp cận, gần gũi với cuộc sống, phản ánh thực tế và cuộc sống đương đại đang diễn ra. Song đừng nên quá lạm dụng đề tài này để câu khách. Bởi nếu lạm dụng nhiều sẽ trở nên quá đà, lệch lạc, vô tình ảnh hưởng ít nhiều đến tư tưởng của giới trẻ, khi họ đang muốn trốn tránh cuộc sống và sa vào những biểu hiện không đáng có. 

Đọc thêm