Phim Việt bao giờ hết “nổi tiếng nhờ người”?

(PLO) - Hai năm trở lại đây, phim điện ảnh và truyền hình Việt có dấu hiệu khởi sắc, nhận được sự ủng hộ tán thưởng của rất nhiều khán giả. Từ đó, khán giả cũng có sự ưu ái hơn dành cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 này. Tuy nhiên nếu để nhìn lại, chưa bàn về sự “nghèo nàn” về đội ngũ diễn viên, kịch bản phim cũng đều là kịch bản chuyển thể… Vậy thì sau tất cả, chúng ta có được sự “sáng tạo nghệ thuật” gì?
Lâu lắm rồi mới có một bộ phim truyền hình thu hút khán giả như “Sống chung với mẹ chồng” hay “Người phán xử”, nhưng rất tiếc cả hai đều không phải là sản phẩm “thuần việt”
Lâu lắm rồi mới có một bộ phim truyền hình thu hút khán giả như “Sống chung với mẹ chồng” hay “Người phán xử”, nhưng rất tiếc cả hai đều không phải là sản phẩm “thuần việt”

Thời kì “mua” kịch bản lên ngôi

Đầu tiên kể đến là phim truyền hình hiện nay, trên kênh truyền hình VTV có hai phim chiếu giờ vàng đều liên quan đến kịch bản ngoại hay cốt truyện ngoại. Theo đó, “Người phán xử” mua bản quyền của Israel, “Sống chung với mẹ chồng” thì của Trung Quốc.  Còn với phim điện ảnh, với “Em là bà nội của anh” mua bản quyền của Hàn Quốc là bộ phim dẫn đầu trào lưu mua kịch bản ngoại.

Tiếp đó, đầu năm 2017, phim ra rạp “Bạn gái tôi là sếp” làm lại từ phim hài Thái “ATM: Er Rak Error”. Và phim hè 2017 có hai phim: “Sắc đẹp ngàn cân”, “Yêu đi, đừng sợ!” là bản làm lại từ phim “200 Pounds Beauty” và “Spellbound” của Hàn Quốc. Mặc dù xu hướng làm lại phim nước ngoài không còn lạ với phim Việt, tuy nhiên để chiếm sóng ở tần suất lớn và rộng như hiện này thì thật sự là một báo động về việc thiếu trầm trọng kịch bản phim thuần Việt.

Nói vậy không có nghĩa là không có kịch bản “thuần” Việt, tuy nhiên về chất lượng không hề được đánh giá cao. Ngay những phim do đạo diễn tên tuổi với dàn diễn viên toàn nghệ sĩ và sao, thần tượng, hotboy, hotgirl… cũng rơi vào tình trạng phần đầu có vẻ hấp dẫn với câu chuyện mở ra nhiều hướng nhiều tình huống, nhưng càng về sau càng hụt hơi, vấn đề cứ rơi rụng đâu, đến kết thúc thì xem như nhạt chuyện.

Hiện tại, mỗi năm số phim Việt ra mắt công chúng đã có dấu hiệu tăng, nhưng phim thật sự để lại ấn tượng chỉ chừng 1-2 phim. Cách khai thác đề tài, nhân vật trong các phim cũng không theo bất kỳ một dòng-thể loại nào rõ nét, các nhà sản xuất thường chạy theo nhiều thị hiếu của nhiều đối tượng khác nhau, nhưng không có cái nào thật sự đậm chất, nhìn vào phim Việt giống nồi lẩu. 

Mới đây nhất có bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” của đại diễn trẻ Hồng Ánh. Chọn góc nhìn và cách kể chuyện tương đối bạo liệt, gần như không thỏa hiệp với các yếu tố câu khách, hoặc giải trí bình thường. Chính vì vậy dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao nhưng “Đảo của dân ngụ cư” vẫn thất bại trong cuộc chiến phòng vé. Một phần vì khán giả Việt không nhạy bén trong việc thưởng thực sự đa dạng nội dung phim, chính vì vậy quen với phim giải trí rồi nên họ khó có được khả năng xem những phim có chất lượng nghệ thuật cao, hoặc thể nghiệm.

Đó không thể sự lựa chọn dài hơi

Nếu muốn nền nghệ thuật thứ 7 phát triển và có tiếng vang lớn thì ắt hẳn việc mua kịch bản ngoại về để sản xuất không thể nào là phương án dài hơn mà các nhà sản xuất có thể sử dụng. Tuy nhiên, nếu sáng tạo nghệ thuật ở bộ môn này vẫn “dậm chân tại chỗ” như nhiều năm qua thì lại chặng đường đi đến ngày vinh quang đó lại càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Đã đến lúc các nhà làm phim, nhà sản xuất… cần phải có một kế hoạch dài hơi và chặt chẽ nhằm đưa điện ảnh nước nhà đi lên một vị thế mới. Không thể một sớm một chiều mà làm nên chuyện nhưng nếu kiên trì chúng ta cũng có quyền hi vọng. Bằng cách ngay từ bây giờ trau dồi đội ngũ làm nên linh hồn của mỗi kịch bản.

Ở Việt Nam, kịch bản truyền hình hiện tại chỉ có vài nhà biên kịch có thể “độc lập tác chiến” một kịch bản, còn phần lớn là viết theo nhóm, khiến phim không có sự nhất quán trong câu chuyện hay các diễn biến tâm lý nhân vật. Còn với phim điện ảnh, hiện đang thịnh hành xu hướng: một là đạo diễn tự viết kịch bản, chạy theo thị hiếu của khán giả; hai là, nhà văn lấy tác phẩm của mình và tự chuyển thể kịch bản, mang chất văn học vào kịch bản, đưa nhiều tình huống khó mà “diễn”, nên bị đạo diễn cắt cúp, làm hỏng mạch câu chuyện kể, những bộ phim theo hình thức đó 100% làm khán giả thất vọng.

Diễn viên tham gia đóng các kịch bản truyền hình, điện ảnh không có sự thay đổi nhiều để hướng tới sự lột xác. Nhiều nhà sản xuất vì doanh thu mà sẵn sàng “chọn mặt gửi vàng” với những người không có chuyên môn. Hoặc ưu tiên những kịch bản thuộc các thể loại phim dễ làm, đơn giản, kinh phí thấp, thời gian thực hiện nhanh… kiểu như phim hài. Minh chứng rõ nhất là phim Tết. Đó ắt hẳn là một cái sai, một hướng đi làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Bao giờ cũng thể kịch bản luôn chiếm 50% yếu tố thành bại của một bộ phim. Chính vì lẽ đó mà ở nước ngoài, các nhà biên kịch vàng, có quyền lực với bộ phim không thua kém đạo diễn, có quyền chọn diễn viên. Còn ở Việt Nam thì điều đó dường như chưa được ai bàn đến, chú trọng…

Chính vì sai ngay từ khâu chắp bút tạo nên một tác phẩm nên chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi để có được tiếng vang trong sáng tạo kịch bản phim, mới lâu lâu có được một tác phẩm xứng đáng với sự kì vọng của khán giả. Thế nên, đừng bao giờ hỏi “bao giờ thì phim Việt làm được như phim nước ngoài?”, mà hãy hỏi rằng “bao giờ chúng ta có đủ điều kiện cần thiết, chặt chẽ để tạo kịch bản hay góp phần nâng tầm vị thế bộ môn nghệ thuật thứ 7 này?”.

Đọc thêm