“Bom tấn” hay “bom xịt”?
Trong thời gian qua, các cụm rạp chiếu phim trên cả nước đã dần hoạt động ổn định trở lại với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Thị trường phim chiếu rạp dần dần khởi sắc sau cả năm trời “ngủ đông”. Được kỳ vọng tham gia vào đường đua phòng vé là loạt “bom tấn” Việt được đầu tư kỹ lưỡng, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những “bữa tiệc” giải trí hấp dẫn. Trái ngược với mong đợi, phim Việt ra rạp hầu như không đáp ứng được nhu cầu của khán giả với nhiều bộ phim chỉ được đánh giá là “bom xịt”.
Nhiều bộ phim công bố đã đem về doanh thu “khủng” nhưng điều này cũng không “cứu vớt” được nội dung. Những phim trong quý đầu năm đều có doanh thu chục tỷ như “Chìa khoá trăm tỉ”, “Chuyện ma gần nhà”, “Bẫy ngọt ngào”, gần đây nhất là “Bóng đè”, đều không gây ấn tượng với khán giả về mặt kịch bản và tình tiết. Trong khi đó, phim ngoại ra rạp đợt này đều nhận được nhiều lời khen từ phía người xem, như “Người Nhện không còn nhà”, “Người dơi”... Trong đó có những phim dù doanh thu không “khủng” như “Những kẻ xấu xa”, “Thành phố mất tích”,… nhưng chất lượng vẫn được đánh giá cao hơn so với phim nội địa nói chung.
Lại nói, từ đầu năm, điện ảnh nội địa chào đón quá nhiều bộ phim kinh dị ra rạp. Mùa phim Tết 2022 mở màn với “Nhà không bán”, tiếp theo là “Chuyện ma gần nhà”, “Người lắng nghe: Lời thì thầm”, mới đây là “Bóng đè”. Như vậy chưa đầy hai tháng đã có đến bốn phim kinh dị. Mong muốn “soán ngôi vương” phòng vé, áp đảo cả “bom tấn” quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa có cái tên nào “làm nên chuyện”. Dù tạo hiệu ứng truyền thông tốt trước khi phim được trình chiếu nhưng phản hồi của người xem hầu hết đều là chê và thất vọng bởi nhiều lý do.
Đơn cử, “Chuyện ma gần nhà” nhận được hai luồng khen chê rõ rệt, bên cạnh ưu điểm được đầu tư tổng thể nghiêm chỉnh, khán giả vẫn “nhặt đầy sạn” trong tình tiết phim và diễn xuất của diễn viên. Phim “Nhà không bán” chỉ được đánh giá là an toàn, không có sự đột phá. “Người lắng nghe: Lời thì thầm” dù đã đoạt 12 giải thưởng ở các Liên hoan phim quốc tế, nhưng khi trình chiếu tại rạp Việt Nam, số lượng người xem chỉ lẻ tẻ, đìu hiu sau một tuần ra rạp, khiến doanh thu phim thấp tệ. Điểm cộng của phim là truyền tải được những thông điệp nhân văn, song điểm trừ là tình tiết gượng ép, thiếu mạch lạc, các yếu tố kinh dị và tâm lý học đều chỉ được khai thác nhạt nhoà trên bề mặt, chưa đủ thuyết phục khán giả.
“Bóng đè” có lẽ là bộ phim được khán giả mong chờ nhất bởi sự trở lại của đạo diễn Lê Văn Kiệt kể từ sau tác phẩm đình đám “Hai Phượng”. Bộ phim khai thác hiện tượng rất gần với cuộc sống của con người theo cả góc độ tâm linh và tâm lý. Trước khi ra rạp trong nước, nhà sản xuất còn tuyên bố “Bóng đè” đã được bán bản quyền sang 25 quốc gia. Nhiều ý kiến đã cho rằng đây sẽ là “tân vương” phòng vé. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phim đã “hạ nhiệt” chỉ sau vài ngày công chiếu. Nếu diễn xuất của bộ đôi Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi được xem là điểm sáng của phim thì phim vấp phải một loạt điểm trừ như kịch bản gò bó, dễ đoán, tham tình tiết, khiến câu chuyện trở thành một “mớ hỗn độn” rời rạc, cách giải quyết các nút thắt cũng bị đánh giá là “lãng xẹt” so với dòng phim kinh dị - tâm lý đầy thách thức hiện nay.
Nhiều phim Việt ra rạp nhận được phản hồi trái chiều từ khán giả. |
Kịch bản vẫn là “mắt xích” yếu nhất
Có thể nói, những phản hồi trái chiều của công chúng và giới nghề đã cho thấy sự quan tâm của họ dành cho phim trong nước, dù đó là những dòng phim mới hoặc những nhà làm phim có tư duy làm phim mới mẻ. Tuy nhiên, phải là những bộ phim có chất lượng, chỉnh chu và toàn diện mới có thể thuyết phục được phần đông công chúng.
Ví như dự án điện ảnh đầu tay của đạo diễn, diễn viên Võ Đăng Khoa mang tên “Mến gái miền Tây”, khai thác câu chuyện một người chuyển giới yêu đơn phương người dị tính, cũng được khán giả mong chờ trước khi ra rạp. Sự xuất hiện trở lại của nghệ sĩ Hoài Linh cũng không thể “cứu” được những “lỗ hổng” khác của bộ phim, như kịch bản, xây dựng nhân vật thiếu nhất quán, lời thoại không ấn tượng nhưng cài cắm nhiều triết lý khiến phim bị lan man, tác phẩm còn đậm chất phim truyền hình, lạm dụng nhiều âm nhạc khiến cảnh quay mang hơi hướng MV ca nhạc… Dù nỗ lực, bộ phim đã nhận được rất nhiều lời chê, thậm chí có khán giả chỉ đánh giá phim này đạt 1 điểm trên thang điểm 10.
Đến nay, câu hỏi lớn nhất từ phía công chúng vẫn là bao giờ phim Việt mới thoát khỏi “lối mòn” để tạo sự đột phá. Trong đó, kịch bản vẫn được xem là một trong những “mắt xích” yếu nhất của phim nội địa khi đặt lên bàn cân so sánh với các phim quốc tế. Tình trạng chung của phim điện ảnh trong nước là “đầu voi đuôi chuột”, tức là bắt đầu với ý tưởng tốt nhưng khi triển khai lại lê thê, lan man, rời rạc, giải quyết các “nút thắt” trong phim quá mức đơn giản hoặc gượng ép. Chưa kể những bộ phim về sau thường dập khuôn theo những phim thành công trước đó, khiến người xem cảm thấy dễ đoán, hụt hẫng.
Dù vậy, ý kiến bình luận khắt khe từ khán giả và giới chuyên môn nếu được các nhà làm phim tiếp thu với tinh thần cầu tiến thì trong tương lai dòng phim “made in Vietnam” sẽ dần được hoàn thiện và thực sự tạo ra đột phá. Sắp tới, vẫn có thể hy vọng vào những ẩn số mới trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5. Ví như “Nghề siêu dễ” – phim hài làm lại (remake) của Hàn Quốc của đạo diễn Võ Thanh Hòa, với dàn diễn viên Thu Trang, Tiến Luật, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn…; hay phim hành động “Thanh Sói” của Ngô Thanh Vân với sự xuất hiện của Tóc Tiên, Đổng Ánh Quỳnh, Rima Thanh Vy…