Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường: Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm khu vực Tây Bắc

(PLVN) - Từ một tỉnh thuộc diện nghèo khó nhất trong cả nước, 30 năm qua, Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành vùng động lực phát triển nơi biên giới, một điểm sáng ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường.

Nhìn lại chặng đường phát triển trong 30 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh (1/10/1991-1/10/2021), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đánh giá, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đoàn kết, thống nhất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, Lào Cai từ một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước, gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh đã bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển, sôi động nhất của khu vực Tây Bắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Nhấn mạnh về thành tựu phát triển kinh tế của địa phương, ông Trịnh Xuân Trường cho biết, thời điểm tái lập, kinh tế của Lào Cai còn mang nặng tính tự cung tự cấp, phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh có độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp lúc bấy giờ; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, sản phẩm chủ yếu tự sản, tự tiêu, chưa sản xuất thành hàng hóa. Công nghiệp chỉ có khai thác quặng Apatit. Chưa có kinh tế cửa khẩu; du lịch, dịch vụ thương mại còn thiếu thốn, nhỏ lẻ...

Ông Trịnh Xuân Trường (giữa) tham dự Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lào Cai năm 2020. (ảnh: Baolaocai.vn)

Ông Trịnh Xuân Trường (giữa) tham dự Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lào Cai năm 2020. (ảnh: Baolaocai.vn)

Đến nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh chóng. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có hoạt động sôi động, tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt trên 20%/năm. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, được khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước.

Tiềm năng về du lịch của tỉnh được khai thác hiệu quả, thể hiện được sự đa dạng, phong phú, nét đặc trưng riêng, độc đáo của Lào Cai. Khu du lịch quốc gia Sa Pa từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, cũng như thế giới.

Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với môi trường.

Nhờ vậy, trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai liên tục đạt mức cao (bình quân đạt 10,2%/năm), GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77,7 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc.

Vai trò của Lào Cai trong khu vực Tây Bắc và trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh ngày càng được khẳng định và tạo tiền đề cho tỉnh tiếp tục phát triển trở thành trung tâm vùng trong thời gian tới.

- Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh đã có chủ trương, biện pháp gì để thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân?

- Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nói chung và trong nước nói riêng đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các ngành kinh tế và đời sống nhân dân, đặc biệt đối với một tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, cửa khẩu, công nghiệp như Lào Cai. Trước tình hình đó, tỉnh Lào Cai đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trước kết, tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, chủ động, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, qua các đợt dịch bùng phát mạnh trong nước, tỉnh Lào Cai đều đã kiểm soát cơ bản, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Đây là yếu tố quan trọng trong tình hình hiện nay để tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế.

Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, căn cứ vào đặc thù của địa phương, Lào Cai đã dự báo, dự đoán các tác động và chủ động xây dựng các kịch bản cho từng ngành, từng lĩnh vực để điều chỉnh linh hoạt trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Song song với đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất như: Thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đã xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam) qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phía Trung Quốc tiếp tục vận hành có hiệu quả “luồng ưu tiên” đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu; Vận hành hiệu quả mô hình Đội lái xe trung chuyển tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn để nhanh chóng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch; Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn để tìm kiếm, giới thiệu nguồn cung các loại nguyên liệu, máy móc, thiết bị thiếu hụt… Chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, kịp thời triển khai nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ cho các đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Lào Cai đã đạt mức tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của cả nước (năm 2020 tăng trưởng đạt 7,02%, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 7,56%, dự kiến cả năm 2021 đạt trên 8%).

Lào Cai đã phối hợp tổ chức phục dựng, bảo tồn được nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian các dân tộc. (ảnh: Nghi lễ rước dâu của dân tộc Dao đỏ).

Lào Cai đã phối hợp tổ chức phục dựng, bảo tồn được nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian các dân tộc. (ảnh: Nghi lễ rước dâu của dân tộc Dao đỏ).

- Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc nên không thể không coi trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy, tỉnh đã có những giải pháp gì để vừa thực hiện được nhiệm vụ này, vừa ưu tiên phát triển kinh tế, giúp bà con giảm nghèo bền vững?

- Lào Cai là tỉnh đa dân tộc, với 25 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64% dân số, với rất nhiều loại hình văn hóa truyền thống có giá trị. Nhận thức được điều này, ngay từ ngày đầu tái lập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Cùng với sự đổi thay của tỉnh trong 30 năm qua, các giá trị văn hóa của đồng bào tiếp tục được bảo tồn, phát huy và còn gắn với phát triển kinh tế (nhất là nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp...) để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong đó có thể kể đến việc gắn việc bảo tồn nghề thủ công với phát triển sản phẩm du lịch, mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho cộng đồng như nghề chạm khắc bạc, thêu dệt thổ cẩm người Mông, Dao, Xá Phó; nghề làm trống, khèn người Dao, Mông; nghề đan lát người Hà Nhì…

Với chủ trương “Biến di sản thành tài sản”, nhiều di tích, danh thắng đã trở thành điểm tham quan, chiêm bái hấp dẫn, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách (như Đền Thượng, Đền Bảo Hà...).

Cùng với đó, tỉnh đã phối hợp tổ chức phục dựng, bảo tồn được gần 20 nghi lễ, lễ hội dân gian các dân tộc có giá trị. Trong đó, có những lễ hội đã trở thành điểm nhất cho du lịch Lào Cai, như: lễ hội Đền Thượng; lễ hội Đền Bảo Hà; lễ hội Gầu tào người Mông; lễ hội Đua ngựa Bắc Hà; lễ hội Xuống đồng người Tày, người Giáy; lễ hội cầu mùa (khu già già) người Hà Nhì; lễ cúng rừng người Mông…

Hàng loạt các loại hình nghệ thuật dân gian cũng được bảo tồn và phát triển như: múa khèn người Mông; khắp nôm, hát then người Tày; hát qua làng người Dao; Múa bát người Tày; múa trống đất người Dao Họ,… nhiều điệu múa, bài hát truyền thống của người Tày, Pa Dí, Bố Y, Mông, Dao…

Những địa điểm du lịch, lễ hội dân gian, ẩm thực... đã trở thành những sản phẩm văn hóa đặc thù phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.

-Xin trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm