Trả lời đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ bố trí kinh phí PBGDPL cho các tỉnh chưa tự cân đối được kinh phí; xem xét, hỗ trợ kinh phí cho địa phương nghèo thực hiện các Chương trình, Đề án lớn của UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ Tư pháp dẫn chứng: Luật PBGDPL, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL đã quy định rõ cơ chế tài chính cho công tác PBGDPL, trong đó có các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 quy định rõ: “Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của các đề án. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình này theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp thực hiện ngân sách, hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách tự bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL trong phạm vi ngân sách được Trung ương giao (điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017).
Qua theo dõi của Bộ Tư pháp cho thấy việc dành nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và điều kiện ngân sách được giao và yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Vì vậy, đề nghị các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này. Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực theo tinh thần xã hội hoá để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, Đề án về PBGDPL tại địa bàn đặc thù, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho địa phương.
Trước đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể về xã hội hóa công tác PBGDPL (phạm vi, lộ trình, trách nhiệm thực hiện,...) làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện hiệu quả của UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Tư pháp cũng khẳng định, xã hội hóa công tác PBGDPL là chủ trương nhất quán, là xu thế tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội; được Luật PBGDPL ghi nhận (Điều 4) và cụ thể hóa tại Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL. Trên cơ sở quy định nêu trên, vừa qua, nhiều bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, bao gồm cả nguồn nhân lực và kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho các hoạt động PBGDPL.
Qua thực hiện hoạt động xã hội hóa đã góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào nền nếp, ổn định, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức để công tác này thực sự trở thành nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống xã hội và là trách nhiệm của toàn xã hội. Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức một số hội thảo, tọa đàm để đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa. Qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy việc triển khai thực hiện chủ trương này phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt của các địa phương và phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn của từng địa bàn./