Phó Chủ tịch nước: Gắn thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

(PLVN) - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, ngành Giáo dục gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với mong muốn từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn và hạnh phúc.

Ngày 23/9, Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự và phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tựu quan trọng, sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý và các em học sinh, sinh viên trong cả nước.

“Kết quả các phong trào thi đua cho thấy, ngành Giáo dục có quyết tâm và nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực, là một trong 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, góp phần vào thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới của đất nước ta”, Phó Chủ tịch nước ghi nhận.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Ảnh: TTXVN) 

Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Riêng đối với công tác thi đua khen thưởng, ngành Giáo dục cần gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với mong muốn từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn và hạnh phúc.

Cũng tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Đại hội là dịp tôn vinh, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua; qua đó khơi dậy và tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, với nội dung trọng tâm là tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua 5 năm qua, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá những kết quả đã đạt được; nhận diện những hạn chế, tồn tại; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, xác định những bài học kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay để áp dụng rộng rãi, tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành Giáo dục ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; thực sự là động lực thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nói riêng.

Báo cáo trình Đại hội cho biết, kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT: Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại, bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế.

Công tác khen thưởng được thực hiện bảo đảm đúng quy định, quy trình và kịp thời, khách quan, dân chủ, công bằng; không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển...

Tại Đại hội, Bộ GD&ĐT đã khen thưởng cho 384 cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Đọc thêm