Phó Giám thị trại giam sử dụng "bí kíp nhỏ" làm nên chuyện lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  30 năm công tác trong ngành Công an cũng là từng ấy thời gian Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an, đóng tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) gắn bó với những công việc ở trại giam. Với một vài "bí kíp nhỏ" trong công tác, anh đã làm nên những chuyện lớn - đánh thức "mầm thiện" trong những con người một chút nhầm đường.
Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Xuân Trường
Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Xuân Trường

Mối lương duyên trở thành cán bộ trại giam

Trong chuyến công tác ở Trại giam Yên Hạ, chúng tôi được nghe Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị Trại giam trải lòng về những năm tháng công tác tại đây, những kỷ niệm buồn, vui của anh từ khi vào ngành Công an đều gắn bó với nơi này.

Kể về cơ duyên đến với nghề quản giáo, anh cho biết: "Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi trở thành lính nghĩa vụ, được phân công vào Phòng cảnh sát bảo vệ. Sau vài tháng công tác tại Công an tỉnh Sơn La, tôi được điều chuyển về Trại giam Yên Hạ. Ngày đầu tiên về đơn vị, chúng tôi cùng nhau ngồi trên xe tải, di chuyển mất 1 ngày mới về đến trại giam”, Thượng tá Nguyễn Anh Đức tâm sự.

Vậy là năm 1995 anh Đức về Trại giam Yên Hạ nhận nhiệm vụ, đây cũng là lần đầu tiên anh mường tượng ra công việc của cán bộ, chiến sĩ tại trại giam. Thời điểm đó Yên Hạ là nơi heo hút, khó khăn của tỉnh Sơn La với rất nhiều khó khăn, điện chưa có, tất cả các dãy nhà đều là nhà cấp 4. Những năm đầu làm lính nghĩa vụ, không ít lần anh Đức xuống tinh thần, muốn buông bỏ, xin ra khỏi ngành vì vất vả. Những lúc ấy, chàng trai trẻ lại tự trấn an mình, nhìn lại tình yêu với màu xanh áo lính, dù khó khăn, vất vả nhường nào cũng không bỏ cuộc."

Vừa học vừa làm, anh Đức đã hoàn thành chương trình trung cấp và được giao nhiệm vụ mới là làm quản giáo. Kinh qua nhiều vị trí công tác từ quản giáo, cán bộ đội tham mưu, tháng 10/2020, anh Đức được phân công về lại Phân trại số 1 (K1), đến năm 2014 anh Đức nhận nhiệm vụ mới là Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ.

Quan tâm, chia sẻ từng nhúm muối, viên thuốc với phạm nhân

Nói đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm trong trại giam, Thượng tá Đức cho biết, dù đang thi hành án nhưng một số phạm nhân vẫn mưu toan cấu kết gây rối, thậm chí tỏ ra chống đối cán bộ. Có phạm nhân, vì muốn “lấy le” với những phạm nhân khác, nên cố tình tỏ ra thách thức, giao việc không làm. Với những đối tượng này, tưởng chừng có thể khiến cán bộ đau đầu nhưng với Thượng tá Đức lại rất dễ dàng.

“Cũng có không ít phạm nhân “đầu sỏ” vào trại lần 2, lần 3, muốn thể hiện uy lực với những phạm nhân khác, tỏ thái độ chống đối cán bộ. Những đối tượng đó, tôi phải dùng cách nói chuyện, chia sẻ “mềm nắn, rắn buông” để họ hiểu ra dần dần. Chỉ sau vài lần như vậy, họ hiểu ra rằng làm thế chẳng để giải quyết vấn đề gì, điều họ cần làm là cải tạo tốt để sớm được về với gia đình, xã hội”, Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ chia sẻ.

Điều quan trọng nhất của người cán bộ, chiến sĩ công tác ở trại giam là phải biết chia sẻ, đôi khi tìm những điểm nhạy cảm để “đánh” vào tâm lý phạm nhân, giúp họ từ những lỗi lầm quay trở về với “chính đạo”.

Ngày trước, khi chưa có điện thoại, tất cả liên lạc bằng thư từ. Có khi cả tháng mới biết được chút tin tức ở nhà. Thậm chí gia đình có người thân mất, sau đó 1 thời gian phạm nhân mới được biết tin qua lá thư người nhà gửi lên. Những lúc như vậy, quản giáo là người phải sát sao, chia sẻ, tâm sự với phạm nhân, giúp họ vượt qua những ảnh hưởng tâm lý để cải tạo tốt nhất. Ngày còn khó khăn, cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo cũng chẳng nề hà, chia sẻ với phạm nhân từng gói muối, viên thuốc.

“Thật ra với những phạm nhân, cách quan trọng nhất để giúp họ trở về với “chính đạo” là sự quan tâm, chia sẻ. Tôi không tự nhận mình là người cán bộ, chiến sĩ giỏi cảm hóa những con người lầm lỡ, nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ với họ từng nhúm muối, viên thuốc. Tôi nhớ, ngày tôi làm quản giáo, mọi thứ vẫn còn khó khăn, cá nhân tôi, hay có thói quen chuẩn bị sẵn một vài loại thuốc thường dùng, và tất nhiên ở trại giam nào cũng sẽ có bệnh xá, nhưng có những khi phạm nhân chỉ hắt hơi, sổ mũi hay đau đầu mà chưa cần đến bệnh xá, lúc đó tôi cũng chỉ nhẹ nhàng, đưa cho họ những viên thuốc của mình”, Thượng tá Đức kể lại.

Phạm nhân lao động tại Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Ngọc Nga

Phạm nhân lao động tại Trại giam Yên Hạ. Ảnh: Ngọc Nga

Không chỉ dừng lại ở những hành động, sự quan tâm, chia sẻ trong quá trình cải tạo, các cán bộ, chiến sĩ ở Trại giam Yên Hạ phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng nhiều hoạt động tập thể giúp cho phạm nhân cải tạo tốt hơn, xóa đi chướng ngại tâm lý khi trở về với gia đình và xã hội.

Ví như, chương trình Ngày Hội gia đình các phạm nhân; Hội thi Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong phạm nhân; Ngày hội đồng hành cùng thanh niên tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; Chương trình biểu diễn văn nghệ tuyên truyền giáo dục pháp luật cho phạm nhân…

Đất lạ hóa quê hương

Chàng trai gốc Thái Bình năm ấy, khi bước chân vào ngành Công an chưa hề có suy nghĩ về trại giam, vậy mà đến nay đã trong 30 năm anh công tác trong ngành. Cả tuổi thanh xuân anh dành ở lại đây, nhìn thấy sự thay đổi từng ngày, cơ sở vật chất của trại giam ngày một cải thiện.

Khi đặt câu hỏi về cuộc sống gia đình, Thượng tá Nguyễn Anh Đức rất tự hào kể: “Tôi công tác trong ngành 30 năm, cũng là chừng ấy năm tôi cống hiến ở Yên Hạ. Mảnh đất này tuy không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng nơi đây đã trở thành một phần máu thịt trong tôi, vì vậy mà tôi lấy vợ ở đây luôn. Vợ tôi là người dân tộc Thái, cô ấy là cô giáo mầm non, dù cũng theo nghiệp giáo dục nhưng là giáo dục những mầm non tương lai cho đất nước. Quả thực, khi lấy tôi, cô ấy cũng chịu nhiều thiệt thòi, bởi tôi chỉ biết đến công việc, gần như thời gian của tôi đều dành cho công việc, vì thế việc nhà một tay nhà tôi quán xuyến. Cũng có lúc nhà tôi hờn dỗi, nói tôi trực nhiều, nhưng tôi cũng chỉ biết dùng cách tâm sự, chia sẻ để vợ hiểu. Vậy là chúng tôi ở với nhau gần 20 năm nay, đã có 2 mặt con, dù có đôi lúc hờn dỗi, nhưng cô ấy vẫn rất hiểu cho công việc của tôi”.

Bằng những việc làm thiết thực nhất, những năm qua Thượng tá Nguyễn Anh Đức cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng Trại giam Yên Hạ đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cá nhân Thượng tá Nguyễn Anh Đức nhiều năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua. Đồng thời, năm 2022, Thượng tá Nguyễn Anh Đức còn nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc”…

Đọc thêm