Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước tiết lộ bản chất của mục tiêu "xác thực sinh trắc học"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng khẳng định, việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345) là “chiến dịch” lớn nhằm mục đích phòng chống lừa đảo trên không gian gian mạng, bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo (ảnh: Thanh Thanh)
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo (ảnh: Thanh Thanh)

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do NHNN tổ chức sáng 04/7, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, vào tháng 4/2023, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, trong đó có nội dung làm sạch dữ liệu khách hàng.

Quyết định 2345 của NHNN được ký vào tháng 12/2024 là sự kết nối trong các giải pháp nhằm bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. “Như vậy giữa NHNN và Bộ Công an đã có sự chuẩn bị từ trước và có thời gian khá dài để triển khai…”- Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc, có 2 nỗi lo lớn nhất của người dân hiện nay là giấy tờ của mình bị sao chụp để mở tài khoản giả và mở tài khoản thật nhưng không phải chính chủ. “Bản chất của Quyết định 2345 chính là làm sạch tài khoản, loại bỏ tài khoản của những người không chính chủ…”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó thống NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, một trong những yêu cầu của Quyết định 2345 chính là xác thực sinh trắc học, việc này là cần thiết, bởi thêm một lớp bảo vệ nên sẽ an toàn hơn. Trường hợp khách hàng mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.

Cũng theo thông tin từ Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả,…Trong số đó có khoảng 10% khách hàng được hỗ trợ tại quầy.

“Tôi vào ngành ngân hàng đến nay là năm thứ 33. Đến nay, chúng ta có khoảng 170 triệu tài khoản ngân hàng. Theo đó, con số 16,6 triệu này tương ứng số tài khoản ngành ngân hàng mở cho khách hàng trong 1 năm hoạt động hiệu quả nhất"- ông Dũng nói.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng chia sẻ thêm, trong ngày đầu Quyết định 2345 có hiệu lực (1/7/2024), số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10 - 20 lần so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch cục bộ tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, sang ngày 02/7 đặc biệt ngày 03-04/7 thì các giao dịch cơ bản được đã thông suốt. Thống kê của NHNN cho biết, bình quân 1 ngày trên hệ thống giao dịch của các ngân hàng có khoảng 1,8 - 2 triệu giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng…

“Có thể nói đây là một chiến dịch lớn và đem lại tiện ích cho người dân. Nếu có ai đó nói tại sao NHNN không thực hiện sớm hơn cách đây 3 năm, thì có thể nói chúng tôi có muốn triển khai sớm cũng không được vì còn phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an…”- Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay và nói lời cám ơn Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc triển khai Đề án 06.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đánh giá cao việc NHNN ban hành Quyết định 2345. Quyết định 2345 không chỉ góp phần giúp bảo vệ an toàn cho các giao dịch thanh toán của khách hàng, mà còn góp phần phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an lưu ý các đối tượng tội phạm đã có dấu hiệu thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với quy định mới này. Do đó, khi Quyết định 2345 đi vào thực tiễn vẫn cần tiếp tục rà soát và có các biện pháp ứng phó, các ngân hàng cần phát triển phân tích dữ liệu lớn về việc sử dụng tài khoản của khách hàng để nhận biết dấu hiệu lừa đảo, kịp thời cảnh báo.

“Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra rủi ro, các ngân hàng cần trao đổi sớm với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để cùng phối hợp xử lý những những vấn đề phát sinh, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng…”- Đại diện Bộ Công an đề nghị.

Lãnh đạo NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Theo ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ thông tin, Ngân hàng SHB, để triệt để xử lý gốc rễ vấn đề lừa đảo trên mobile app thì công tác truyền thông/giáo dục tới khách hàng phải được thực hiện mạnh mẽ, đa kênh và hiệu quả hơn nữa để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.

Ngân hàng cũng đề xuất sớm xây dựng quy định, quy trình, cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, NHNN, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động chuyển tiền của tội phạm.

Đọc thêm