Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trưa ngày 17/9, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Quảng Trị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo ứng phó với bão số 5. |
Tại Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng đã thị sát công tác chuẩn bị ứng phó bão tại khu cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng và Đoàn công tác tiếp tục di chuyển, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Khu tránh trú bão xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chủ động chuẩn bị của tỉnh Thừa Thiên – Huế để sẵn sàng ứng phó với bão số 5, được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền ngày 18/9. Những ngày vừa qua, các địa phương trong khu vực đã rất chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão.
Thời gian từ nay đến khi bão dự kiến đổ bộ vào đất liền không còn nhiều, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Trị và các địa phương khu vực miền Trung, nhất là các địa phương trong vùng dự kiến tâm bão đổ bộ trực tiếp tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời chỉ đạo, triển khai tốt công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung một số việc cụ thể, trước hết tập trung bảo đảm an toàn trên biển bằng các biện pháp như tiếp tục rà soát tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để yêu cầu về bờ tránh trú. Hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền tránh đứt neo, trôi, chìm vỡ do va đập tại nơi neo đậu…
Để bảo đảm an toàn đối với các hoạt động ven biển, cần hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa; các trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế, nhà máy, cơ sở sản xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch,… phải chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, trang thiết bị, cơ sở vật chất của mình, hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Theo dự báo khi đổ bộ vào đất liền bão vẫn mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13 nên cần hết sức lưu ý để có kế hoạch bảo vệ nhà cửa, công trình.
Tổ chức sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm ven biển, cửa sông, đây là các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do nước dâng, sóng lớn, sạt lở; sơ tán người khỏi các nhà dân, cơ sở lưu trú ven biển không bảo đảm an toàn. Các địa phương phải rà soát lại phương án sơ tán phù hợp với tình hình để bảo đảm an toàn cho người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sau bão bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bảo đảm an toàn công trình xây dựng, đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện. Vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước trên địa bàn để vừa bảo đảm an toàn đập, vừa chống lũ cho hạ du và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Cùng với đó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động tiêu úng chống ngập. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” trong mọi tình huống và triển khai khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ...